Diện vest đến công sở, ngồi trong những khu vực làm việc sôi động nhất thành phố và được xem là những con người có kiến thức tài chính vững vàng, nhưng cuộc sống của những môi giới chứng khoán không màu hồng như tưởng tượng. Một nhà môi giới chuyên nhận các cuộc gọi đặt lệnh qua điện thoại đã gọi đây là cuộc chiến của tuổi trẻ và may mắn. Đây là câu chuyện của một nhà môi giới chứng khoán 35 tuổi, đang hoạt động trên sàn New York mà bloger Joris Luyendijk ghi lại được.
Áp lực với khách hàng và doanh số là điểu khó vượt qua nhất của bất cứ ai bước vào nghề môi giới chứng khoán. Ảnh: Getty. |
"Chúng tôi thường kết thúc công việc vào 4h sáng, và phải quay lại văn phòng vào lúc 7h để chuẩn bị cho ngày mới. Người làm nghề này có thể kiếm được 10.000 USD mỗi tuần nếu làm vui lòng những khách hàng trẻ tuổi, thích tiệc tùng và sẵn sàng trả hoa hồng hấp dẫn. Nhưng đi kèm với đó là áp lực khủng khiếp. Có 70 người cùng làm việc trong một nhóm thị trường. Và bất cứ ai rời khỏi chỗ, thì ngay lập tức sẽ có người thế chân. Bạn chẳng thể đi đâu cả, có tiền cũng không thể tiêu một cách thoải mái. Tất cả chúng tôi đều làm việc như thế trong một khoảng thời gian dài, và chờ đợi may mắn đến với mình.
Điều đáng buồn là chỉ có 5% dân môi giới chứng khoán có thể kiếm được những khoản thu nhập kha khá trong thời điểm này. Còn phần lớn những người làm nghề chỉ nhận được số tiền gọi là "chấp nhận được". Tôi thường ngồi ở bàn làm việc của mình và nhìn sếp - người có hàng triệu USD trong tài khoản ngân hàng, có trực thăng riêng, có vài chiếc xe hơi đời mới cùng hàng tá căn hộ, biệt thự ở các thành phố... Ông ấy chẳng thông minh hơn tôi, nhưng chắc chắn đã phải cũng đã bỏ ra rất nhiều giờ làm công việc giống tôi trong nhiều năm trời. May mắn đã đến, và giờ ông ấy ngồi ở đúng vị trí của mình, nơi tôi vẫn ước mơ.
Công việc của một môi giới chứng khoán chỉ xoay quanh một vài hoạt động chính, như nhận lệnh đặt mua bán từ khách hàng, la hét để nhập lệnh, tư vấn khách hàng và sau đó là thực hiện một loạt các công việc bàn giấy. Hầu như ngày nào cũng phải la hét đến lạc giọng, tranh thủ nhét vào miệng thức ăn nhanh, uống Coca để tỉnh táo, và quay cuồng trong guồng công việc. Hãy thử tưởng tượng từ sáng đến tối, bạn lúc nào cũng có hai chiếc điện thoại áp vào mặt, làm mọi cách để tăng doanh số ở mức 100% mỗi tháng. Nguyên tắc của sếp luôn là: 3 tháng không hoàn thành chỉ tiêu, bạn sẽ bị loại - đó là áp lực khủng khiếp nhất của nghề này".
Nhân vật của bloger Joris Luyendijk kết thúc câu chuyện của mình với vẻ mặt buồn bã khi nói đến những cái chết của đồng nghiệp. "Người ta luôn nói rằng bạn có thể làm việc đến năm 55 tuổi, nhưng thực tế người làm nghề chỉ có thể trụ đến khoảng 40 tuổi. Tôi biết có người đã chết ngay trên bàn làm việc, giữa đống giấy tờ ngổn ngang và chuông điện thoại dồn dập ở tuổi 28 vì trụy tim. Nhưng chúng tôi là những con nghiện công việc, rời xa nó, tôi không biết mình sẽ sống ra sao".