Có người nhận ngót tỷ đồng/năm
Dẫn đầu về mức lương trong số lãnh đạo các tập đoàn, tổng công ty là ông Đỗ Ngọc Khải, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc tổng công ty Dầu Thực vật Việt Nam (Vocarimex): 74,72 triệu đồng/tháng. Các Phó tổng giám đốc của Vocarimex lương từ 59,79-63,44 triệu đồng/tháng - một mức thu nhập “trên trời” so với mặt bằng lương của người lao động.
Tập đoàn Điện lực liên tục báo lỗ nhưng lãnh đạo vẫn nhận lương khủng. |
Xếp kế tiếp là tập đoàn Dầu khí Việt Nam với mức lương của Chủ tịch HĐTV Phùng Đình Thực là 65,81 triệu đồng/tháng; Tổng giám đốc Đỗ Văn Hậu 64,35 triệu đồng/tháng. Các thành viên HĐTV, Phó tổng giám đốc khác lương xê dịch từ 50 đến 60 triệu đồng/tháng (cá biệt có hai Phó TGĐ lương xấp xỉ 30 triệu đồng/tháng). Tiếp theo là Chủ tịch HĐTV tập đoàn Điện lực Việt Nam Hoàng Quốc Vượng với lương 61,32 triệu đồng/tháng, Tổng giám đốc Phạm Lê Thanh 53,43 triệu đồng/tháng; các lãnh đạo còn lại (thành viên HĐTV, Phó Tổng giám đốc) xoay quanh mức 50 triệu đồng/tháng.
Lãnh đạo các đơn vị khác có lương hạ hơn, song cũng ở mức cao so với mặt bằng chung, như Tập đoàn hóa chất, trung bình trên 51 đến trên 57 triệu đồng/tháng; tập đoàn Xăng dầu từ 48 đến 54 triệu đồng/tháng; tập đoàn Than - Khoáng sản từ 47 đến 53 triệu đồng/tháng; tập đoàn Dệt may 46 - 52 triệu đồng/tháng; tổng công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp 33 - 50 triệu đồng/tháng; tổng công ty Thuốc lá từ 40 đến 47 triệu đồng/tháng; tổng công ty Giấy 35 - 40 triệu đồng/tháng; tổng công ty Máy và Thiết bị công nghiệp thấp nhất trên 23 triệu đồng/tháng (cá biệt có Phó tổng giám đốc chỉ 13 triệu đồng/tháng)... Như vậy, tổng tiền lương chi cho 120 lãnh đạo của 11 doanh nghiệp nói trên trong năm 2013 hơn 65,57 tỷ đồng và mỗi tháng gần 5,5 tỷ đồng.
Trao đổi với PV, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) Phạm Minh Huân trả lời ngắn gọn, lương, thưởng của lãnh đạo doanh nghiệp nói trên phải căn cứ theo Nghị định 51/2013 của Chính phủ, trong đó một trong những cơ sở quan trọng để xét duyệt là năng suất lao động; còn cụ thể ra sao phải hỏi Bộ Công thương - cơ quan quản lý trực tiếp của các doanh nghiệp này. Trong khi đó, Bộ Công thương khẳng định, mức lương nói trên đã được cơ quan này phê duyệt sau khi có ý kiến thỏa thuận của Bộ LĐ,TB&XH.
Lãnh đạo Tập đoàn Than - Khoáng sản có lương ở mức cao, từ 47-53 triệu đồng/tháng. |
Hiệu quả hoạt động khiêm tốn
Theo quy định hiện hành, đối với viên chức quản lý, tiền lương gắn với quy mô doanh nghiệp, trong đó cao nhất là Chủ tịch Tập đoàn kinh tế 36 triệu đồng/tháng; đồng thời gắn với hiệu quả: Doanh nghiệp làm ăn có hiệu quả thì được phép chi thêm 50% lương của mức trần tối đa (thêm 18 triệu đồng/tháng, không quá mức 54 triệu đồng/tháng).
Trong khi đó, một trong những căn cứ quan trọng để xét lương của lãnh đạo các tập đoàn, tổng công ty này là hiệu quả - thể hiện qua báo cáo tài chính hàng tháng, quý, năm - thì phần lớn không công khai, hoặc cập nhật rất chậm, sơ sài. Thực tế cho thấy, ngoại trừ một vài đơn vị “ăn nên là ra” do nắm giữ lợi thế về tài nguyên, khoáng sản, thậm chí đất đai, còn lại nhiều trong số các tập đoàn, tổng công ty nói trên hiệu quả hoạt động còn thấp, thể hiện rõ nhất qua tỷ suất lợi nhuận trên tổng tài sản (ROA) và trên vốn chủ sở hữu (ROE).
Đơn cử như Vocarimex - nơi lãnh đạo dẫn đầu về mức lương, báo cáo tài chính thể hiện, năm 2013, doanh thu Vocarimex đạt 4.192 tỷ đồng, song lợi nhuận sau thuế chỉ 48 tỷ đồng (1,1%); ROA 2% và ROE 4%. Tính trung bình từ 2011 - 2013, tỷ suất lợi nhuận gộp của Vocarimex chỉ ở mức 2,75%, nhưng chi phí quản lý doanh nghiệp hàng năm của công ty lại rất cao, trung bình trên 60 tỷ đồng/năm, riêng năm 2013 là 66 tỷ đồng, trong đó bao gồm lương “khủng” cho dàn lãnh đạo doanh nghiệp. Các chỉ số này rõ ràng có một khoảng cách rất xa so với các doanh nghiệp niêm yết. Cụ thể, năm 2013, các doanh nghiệp VN30 (30 doanh nghiệp vốn hóa và thanh khoản cao nhất thị trường chứng khoán) có ROE là 15,99%; ROA 7,47%.
Một số doanh nghiệp lãnh đạo có lương cao khác, kết quả kinh doanh khá trồi sụt, như Tập đoàn Xăng dầu, thậm chí Tập đoàn Điện lực còn thường xuyên có mặt trong danh sách “lỗ khủng” - theo kết quả của Kiểm toán Nhà nước. Cụ thể, tính đến cuối năm 2011, chỉ riêng Tập đoàn Điện lực lỗ lũy kế hơn 38.000 tỷ đồng, đóng góp tới 78% khoản lỗ gần 49.000 tỷ đồng của 13 tập đoàn, tổng công ty Nhà nước.
Báo cáo của Bộ LĐ-TB&XH gần đây cũng chỉ ra rằng, giai đoạn 2008-2011, tại các tập đoàn kinh tế, tổng công ty hạng đặc biệt, tiền lương bình quân của người lao động tăng bình quân 18,6%/năm, tuy nhiên, năng suất lao động bình quân của các doanh nghiệp này (tính theo doanh thu) chỉ tăng 17,5%/năm, lợi nhuận tăng 3,1%/năm