Trong thời đại ngày nay, công nghệ có thể trở thành một trợ thủ đắc lực cho chính quyền và người dân trong việc xử lý các vụ việc phát sinh, cũng như nâng cao chất lượng cuộc sống.
Giải quyết phản ánh công dân thời 4.0
Mới đây, câu chuyện một du khách nước ngoài trả 2 tờ 500.000 đồng khi mua 1 kg măng cụt (giá thị trường là 100.000 đồng) ở chùa Thiên Mụ, nhưng bị người bán cố tình không trả lại tiền thừa và cách xử lý của thành phố đã khiến nhiều người bất ngờ.
Ông C., người chứng kiến vụ việc đăng tải trên trang cá nhân tình huống mình gặp phải, khi đã nhắc người bán trả tiền thừa cho nữ du khách nhưng không thành.
Sau đó, thông tin này nhanh chóng được người dân chuyển tới Trung tâm Giám sát, điều hành thông minh của Thừa Thiên - Huế. Cơ quan công an thành phố đã tiếp nhận vụ việc, đồng thời cho cử cán bộ điều tra.
Ứng dụng cho phép người dân phản ánh về các sự kiện trong khu vực. |
Sau 4 ngày làm việc, thành phố đã có phản hồi lại sự việc với người dân. Qua xác minh, CA thành phố có kết luận vụ việc: Lợi dụng khách nước ngoài không biết mệnh giá tiền nên người bán đã lấy 1 triệu đồng của khách và không trả lại tiền thừa.
Kết quả, người bán bị phạt hành chính 1,5 triệu đồng về hành vi dùng thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tài sản, và buộc phải trao trả lại số tiền đã chiếm đoạt của du khách.
Vụ việc xảy ra trước cửa chùa Thiên Mụ chỉ là một trường hợp cá biệt tại Huế và hiếm khi xuất hiện. Ở thời đại 4.0 và nhất là tại một nơi đã xây dựng thành công đô thị thông minh, với “trái tim” là Trung tâm Giám sát, điều hành thông minh như Thừa Thiên - Huế, việc “trái tai, ngang mắt” như vậy khó có thể tồn tại.
Trung tâm Giám sát, điều hành thông minh như Thừa Thiên - Huế. |
Đô thị thông minh không chỉ dừng ở xử lý khiếu nại
Với hệ thống tiếp nhận và xử lý phản ánh theo mô hình đô thị thông minh được thiết kế riêng cho Thừa Thiên - Huế, người dân có thể cùng tham gia với chính quyền trong việc giám sát các hoạt động hàng ngày. Ngày nay, công dân thời 4.0 có thể đóng góp ý kiến nhiều hơn, thậm chí giám sát các ý kiến của mình đã được xử lý hay chưa.
Đặc biệt, với hệ thống thông minh vừa đoạt giải thưởng “Dự án thành phố thông minh sáng tạo nhất châu Á” tại Telecom Asia Awards 2019, điều này càng được tăng cường.
Trên thực tế, kể từ khi Trung tâm Giám sát, điều hành thông minh đi vào hoạt động, người dân Thừa Thiên Huế có thêm kênh để phản ánh nhanh gọn, dễ dàng. Trung bình một ngày, trung tâm này nhận được trên 10 phản ánh của người dân; phổ biến nhất vẫn là các phản ánh về môi trường, trật tự trị an, mỹ quan đô thị…
Các khu vực trọng điểm được quan sát liên tục. |
Các cơ quan chính quyền cũng hoạt động hiệu quả hơn. Đại diện UBND tỉnh Thừa Thiên Huế chia sẻ, sức ép với chính quyền là có khi xây dựng đô thị thông minh, nhưng điều này lại trở thành động lực khi tỉnh đã có quy trình quản lý tốt từ trước.
“Một chính quyền tốt phải dự báo được tình hình, để có các biện pháp giải quyết thông qua các công cụ công nghệ thông tin, chính quyền điện tử để từ đó nâng cao hiệu quả, hoạch định chính sách đầu tư. Khi các chính sách công khai thì người dân sẽ chia sẻ, đảm bảo nguyên tắc dân biết, dân làm, dân kiểm tra thông qua chính quyền điện tử của thành phố thông minh”, đại diện này chia sẻ.
UBND Thừa Thiên - Huế cho rằng hệ thống chính quyền điện tử sẽ giúp kiểm soát được tính công khai, minh bạch. Ở đó, người dân có thể tương tác để giám sát, tìm kiếm thông tin liên quan đến chính quyền và ngược lại.
Viettel được chọn làm nhà cung cấp giải pháp. |
Tuy nhiên, điểm quan trọng là chúng ta vẫn thấy một hình ảnh của Huế cố kính, êm đềm, vẫn là cố đô, nhưng chất lượng dịch vụ tốt hơn và thuận lợi cho người dân trong phát triển về mọi mặt như kinh tế, đời sống… và cả nhu cầu hưởng thụ.
Chỉ mới thời gian gần đây, Thừa Thiên Huế mới được biết đến như một đô thị thông minh với “trái tim” là Trung tâm Giám sát, điều hành thông minh. Nhiều người còn thấy bất ngờ khi mô hình đô thị thông minh của tỉnh này vừa đoạt giải thưởng “Dự án thành phố thông minh sáng tạo nhất châu Á” tại Telecom Asia Awards 2019.
Thế nhưng ít người biết rằng, Thừa Thiên - Huế đã xây dựng hạ tầng cho đô thị thông minh của mình từ trước, với kinh nghiệm nhiều năm đúc rút từ việc vận hành chính quyền điện tử. Khi xây dựng đô thị thông minh, tỉnh đã lựa chọn Viettel làm nhà cung cấp giải pháp... Đại diện UBND tỉnh nhận xét: “Thừa Thiên - Huế cung cấp mô hình quản lý tốt, Viettel hỗ trợ một giải pháp kỹ thuật tốt. Chính điều này đã tạo nên giải thưởng châu Á”.
Thừa Thiên - Huế định hướng lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm khi xây dựng. Đây cũng là lý do các phản ánh của người dân về đời sống được chính quyền tiếp nhận và xử lý nhanh khi hoàn tất Trung tâm Giám sát, điều hành thông minh. Nhờ có công cụ mới, tương tác giữa chính quyền và người dân được tăng cường và hiệu quả hơn.