Philae, phi thuyền có khối lượng 100 kg, đáp xuống bề mặt sao chổi Churyumov-Gerasimenko vào lúc 11h sáng 13/11 theo giờ miền đông nước Mỹ. Cú hạ cánh diễn ra 7 giờ sau khi Philae tách khỏi tàu mẹ Rosetta, Reuters đưa tin.
Tuy nhiên, trong quá trình đáp xuống, những móc sắt của Philae không thể vươn ra để găm vào bề mặt sao chổi. Những người điều khiển chuyến bay đang cân nhắc các lựa chọn để Philae không văng khỏi sao chổi và trôi dạt vô định trong vũ trụ.
Một khu vực trên sao chổi Churyumov-Gerasimenko do phi thuyền chụp ở khoảng cách 7,7 km so với sao chổi hôm 13/11. Ảnh: AP |
"Rất có thể Philae sẽ phải bay lên. Hôm nay, có lẽ nó sẽ không hạ cánh một lần, mà phải thực hiện nỗ lực đó hai lần", Stefan Ulamec, người chỉ đạo nhóm điều khiển Philae, phát biểu.
Andrea Accomazzo, Giám đốc điều hành các chuyến bay thuộc Cơ quan vũ trụ châu Âu (ESA), cho biết tàu Philae đã tách khỏi quỹ đạo của tàu mẹ Rosetta vào lúc 8h35 theo giờ GMT ngày 12/11 (15h35 cùng ngày theo giờ Việt Nam).
Những tàu vũ trụ của nhân loại đã đáp xuống nhiều thiên thể - bao gồm mặt trăng, sao Hỏa, sao Kim, vệ tinh Titan của sao Thổ, hai thiên thạch và sao chổi Tempel-1. Rosetta là phi thuyền đầu tiên bay quanh một sao chổi chứ không bay qua để chụp ảnh như nhiều thiết bị khác.
Sao chổi Churyumov-Gerasimenko có kích thước 3 x 5 km. Giới thiên văn phát hiện nó lần đầu tiên vào năm 1969. Phi thuyền Rosetta tới sao chổi này hồi tháng 8, sau khi vượt qua quãng đường 6,4 tỷ km trong 10 năm. Chi phí cho chuyến bay của nó lên tới 1,8 tỷ USD.
Với cấu trúc giống một phòng thí nghiệm, Philae mang theo 10 thiết bị để thực hiện các thí nghiệm trên 67P/C-G. Các nhà khoa học cho biết, để đáp thành công xuống 67P/C-G, Philae sẽ phải phóng chính xác các đầu móc xuống bề mặt của thiên thể.
Băng và bụi carbon là thành phần chủ yếu của các sao chổi, những thiên thể có thể nắm giữ những bí mật về nguồn gốc hệ Mặt Trời và có thể cả sự sống trên trái đất cách đây 4,6 tỷ năm.