Trải qua tuổi thơ dữ dội gắn liền với cái nghèo, thừa nhận mình may mắn được nhiều người đàn ông yêu thương thật lòng, vậy mà nữ ca sĩ vẫn nhất quyết không cam tâm nếu chỉ vì một người đàn ông mà đánh đổi tất cả. Chị chọn cuộc sống gắn liền với các trẻ mồ côi làm niềm an ủi riêng.
Báo giới hải ngoại từng viết về Phi Nhung như một giọng ca ấn tượng của dòng tân nhạc được triệu người ái mộ với câu chuyện cổ tích về sự đam mê và lòng kiên trì vượt qua mọi trắc trở của cuộc đời. Phi Nhung mang trong người hai dòng máu Mỹ - Việt, kết quả của một cuộc hôn nhân phải trải qua nhiều gian nan mới được gia đình bên ngoại chấp nhận. Chị lớn lên trong sự túng thiếu của gia đình, học đến hết lớp 6 rồi lao vào nghề may mặc, trong khi mẹ chị bước thêm bước nữa và cho ra đời thêm năm người con cùng mẹ khác cha. Khi Phi Nhung được 11 tuổi, mẹ chị qua đời. Thiếu vắng cả cha và mẹ, Phi Nhung đã trải qua những ngày tháng vất vả, phải lo đủ mọi việc để chăm sóc các em.
Năm 17 tuổi, chị được sang Florida (Mỹ) theo diện con lai do một người mợ bảo lãnh. Sau đó, Phi Nhung tình cờ gặp được ca sĩ Trizzie Phương Trinh và dọn về Nam Cali ở chung. Với giọng hát trong sáng cùng sự giúp đỡ của Trizzie, Phi Nhung dần trở thành ca sĩ nổi tiếng tại hải ngoại dù khả năng nhạc lý chỉ ở mức sơ đẳng. Năm 2008, chị trở về nước hoạt động âm nhạc.
Tôi tự lo cho mình từ lúc học mẫu giáo
- Chị còn nhớ về tuổi thơ vất vả của mình khi ở Pleiku không?
- Khi mới đi hát, khán giả cũng đã biết nhiều về tuổi thơ khó khăn và cực khổ của Phi Nhung nên tôi không muốn nhìn về phía sau quá nhiều. Hồi còn nhỏ, tôi không may mắn có được cuộc sống đầy đủ như những người khác. Lúc đó nghèo thật, nhưng khi bạn bè cần hay ra đường thấy người ăn xin có gì tôi cũng cho hết. Người ta xin là tôi cho, dù nhiều lúc còn phải nhịn ăn. Từ nhỏ tới lớn, tính tôi cứ như vậy.
Sang Mỹ làm việc, suy nghĩ đầu tiên của tôi là phải ổn định cuộc sống để còn lo cho các em ăn học, có nghề nghiệp. Trong suốt mười mấy năm, tôi tập trung làm việc, không ăn, không xài. Lo cho mình có nhà, có xe trước, tôi mới gửi tiền về Việt Nam, lo tiếp cho năm đứa em có xe, nhà, công việc làm đầy đủ rồi dựng vợ, gả chồng. Đến bây giờ, mọi thứ ổn định, có bao nhiêu xài bấy nhiêu, vất vả đã qua nên tôi không còn muốn nhắc lại nữa.
- Sau khi lo cho các em, chị còn tiếp tục lo cho hàng chục trẻ mồ côi khác nữa?
- Tôi rất thích làm việc thiện nhưng luôn biết mình có khả năng đến đâu. Với tôi, lũ trẻ giống như con ruột. Tôi nghĩ chúng có duyên với mình. Tôi có người bạn thân từ nhỏ, sau này trở thành sư cô. Chùa rất nghèo mà đất lại rộng. Sư cô bàn với tôi cùng nhau nuôi nấng mấy đứa trẻ mồ côi. Thấy đứa bé nào bị bỏ rơi, tôi kêu sư cô cứ nhận về nuôi, nhưng chỉ nhận đúng số lượng bấy nhiêu thôi, nếu nhiều quá là tôi nuôi không nổi. Trước giờ, tôi không xin tiền của ai để nuôi các con, vì có sự tự ái của riêng mình. Bạn bè, đồng nghiệp nào muốn cho thì cứ cho chùa.
- Một người phụ nữ phải cáng đáng nhiều trọng trách như vậy, có khi nào chị cảm thấy mệt mỏi?
- Là con người, ai cũng có lúc mệt mỏi. Nhưng từ nhỏ tới lớn, khi trong đầu xuất hiện suy nghĩ mệt mỏi, tôi luôn tự nhủ không được phép vì không cha không mẹ, nếu mệt mỏi thì ai lo cho mình. Lúc đi học mẫu giáo, tôi đã biết tự lo cho bản thân. Tôi lớn lên không gần mẹ, mà ở cùng ông bà ngoại và các dì nên phải tự tắm rửa, giặt đồ. Mẹ tôi khi đó có gia đình riêng, ông bà ngoại kể mẹ cũng khổ lắm nên tôi thương mẹ vô cùng.
Khi còn nhỏ, tôi rất ít đi chơi vì sợ mình bị té. Người khác có mẹ sẽ được thoa thuốc, còn tôi té cũng chẳng có thuốc mà thoa. Hơn nữa ông bà ngoại biết chuyện sẽ đánh đòn nên tôi càng không dám nghịch phá gì.
- Chị có nghĩ những người thân quá khắt khe với mình không?
- Ông bà ngoại rất khắt khe nhưng nhờ vậy mới có tôi của ngày hôm nay, nhưng họ cũng luôn dành tình cảm yêu thương cho tôi.
- Công việc đầu tiên của chị ở Mỹ là gì?
- Ban ngày tôi may đồ, ủi đồ, còn buổi tối làm bồi bàn ở nhà hàng. Những lúc được nghỉ, tôi đi học. Tôi cứ sống và làm như vậy được hơn hai năm vô tình gặp Trizzie Phương Trinh. Trizzie thấy tôi hát cho nhà thờ, nói tôi hát hay quá. Tối hôm đó hát xong, cô ấy về lại Nam Cali, tôi cũng đi theo cô ấy luôn (cười).
Lúc đó tôi cũng chẳng nghĩ ngợi được gì. Dù vẫn hát dòng nhạc quê hương nhưng tôi rất thần tượng Trizzie vì cô ấy đẹp và hát hay. Tôi cũng chẳng hiểu tại sao khi nghe Trizzie nói là tôi tin liền.
- Trizzie nói gì với chị?
- Trizzie khen tôi hát hay, nói tôi về ở cùng với cô ấy đi. Trizzie nói ở nhà có ba má, anh chị em đầy đủ hết nhưng còn dư phòng nên cứ qua ở cùng. Tôi nghe vậy là liền cầm mấy bộ đồ với 300 USD (hơn 6 triệu đồng) qua bên đó ở luôn.
Trizzie là người rất biết chuyện. Cô ấy giúp tôi, mở cho tôi một con đường để đi và để tôi tự đi, tự cố gắng. Sự giúp đỡ của cô ấy là ở những bước đầu, còn để có tên tuổi của Phi Nhung tới bây giờ là do tôi đã nỗ lực cố gắng.
Ai muốn nói sao cũng được
- Tôi thấy chị nói chuyện có vẻ rất e dè và đôi khi còn run. Vậy khi giao tiếp với khán giả, bạn bè, đồng nghiệp thì sao?
- Tôi sợ nhất khi nói chuyện với bạn bè mà mình không nói đúng sẽ làm mất lòng người khác. Tính tôi thẳng thắn, thật quá nên nói chuyện nhiều người không hiểu sẽ không thích. Đó cũng là lý do tôi ít đi chơi với bạn bè.
Mỗi người đều có một cá tính riêng. Tôi là nghệ sĩ trên sân khấu, ai giao cho vai gì, tôi cũng làm hết sức mình. Thế nhưng, khi rời khỏi ánh đèn sân khấu, sống với cuộc đời thường, tôi chỉ chơi với mấy đứa em út trong nhà. Tôi ít chơi với các bạn bên ngoài. Thỉnh thoảng tôi cũng đi club nhưng với toàn là người trong nhà hoặc người hâm mộ “ruột”.
- Những sợ hãi, đề phòng của chị với thế giới bên ngoài có bắt nguồn từ tuổi thơ đặc biệt của chị không?
- Vâng. Nó bắt nguồn khi tôi còn nhỏ. Lúc đi học, tôi đã không chơi với bạn bè. Tôi luôn sợ bị bắt nạt, bị ăn hiếp nên cứ lủi thủi chơi một mình. Nhà nghèo, không có tiền ăn bánh, ăn quà nên tôi không chơi với ai. Về nhà, chơi với mấy em còn bị bắt nạt huống chi là bên ngoài. Bây giờ, trong gia đình, cảm thấy nói chuyện được với ai tôi nói, không được cũng im luôn. Với người ngoài, ai nói gì nói, tôi không bao giờ lên tiếng.
Khi lên sân khấu, tôi luôn sống hết mình. Cái tôi nghệ sĩ không bao giờ có. Tôi và các em tôi có được ngày hôm nay cũng nhờ khán giả yêu mến mua CD ủng hộ, nghe tôi hát. Cuộc đời cứ mắc nợ qua lại. Khán giả nuôi tôi, trả tiền để nghe tôi hát thì bây giờ, khi có điều kiện tôi cũng tham gia các hoạt động xã hội, nuôi lại, giúp lại cho những người kém may mắn hơn mình. Cuộc đời có vay có trả, không có gì là của mình hết. Có sức khỏe cứ làm cho hết một kiếp người. Cuối cùng cũng trở về với cát bụi hết thôi, có ai sống được mãi đâu.
- Nhiều người nghi ngại vì xã hội bây giờ có không ít trường hợp mượn chuyện từ thiện để đánh bóng tên tuổi, chị nghĩ sao về việc này?
- Tôi không biết. Cái đó mỗi người mỗi ý, tôi không quan tâm. Tôi chỉ quan tâm chuyện của mình. Những suy nghĩ của người ta, tôi không có quyền nghĩ tới. Tôi nghĩ mình không được nghĩ xấu cho người khác, cũng không được quyền đánh giá một con người không liên quan đến mình. Con người ai cũng thích làm việc thiện, chỉ có điều là khả năng của họ có hay không. Thật tâm của tôi rất thích làm việc thiện, giúp đỡ người khác.
- Hết lo cho các em, lo cho các con nuôi. Bản thân chị khi nào mới nghĩ tới hạnh phúc cho riêng mình?
- Tôi thấy bình thường. Khi bản thân còn lo cái này cái kia cho người khác, tôi thấy mình sống ý nghĩa hơn. Tôi là ca sĩ, nay đây mai đó, nếu có gia đình chắc không làm tròn trách nhiệm với họ. Có gia đình, tôi sẽ phải lo cho gia đình, không tham gia được nghệ thuật nhiều nữa. Phụ nữ có giỏi đến đâu đàn ông cũng không thích vợ mình tối ngày đi làm ngoài đường và không có mặt ở nhà.
Trường hợp đó, tôi từng rơi vào rồi. Lúc đó bạn trai không cho tôi đi ca nhiều, tôi lại không chấp nhận được điều đó. Tôi may mắn khi có nhiều người đàn ông thương tôi thật lòng nhưng tôi cảm thấy trách nhiệm với xã hội nhiều hơn. Mấy đứa em tôi, đứa nào cũng có vợ có chồng, gia đình hạnh phúc là tôi cảm thấy hạnh phúc. Tôi nghĩ mình hy sinh kiếp này để kiếp sau được làm cô dâu đẹp hơn.
- Chị có nghĩ tình yêu của chị với những người đàn ông trước đó không đủ lớn để chị phải hy sinh trách nhiệm với xã hội?
- Không. Tôi không ích kỷ như vậy. Từ nhỏ tới lớn tôi đã sống rất thiếu thốn. Hiện tại, cuộc sống của tôi rất đầy đủ, các em cũng sống đầy đủ nhờ tôi đã phải hy sinh, bỏ ra rất nhiều mồ hôi nước mắt. Nếu chỉ vì một người đàn ông mà phải bỏ đi tất cả, tôi không cam tâm.
- Nếu đó là cớ để người ta nói chị không yêu người đó?
- Tôi yêu chứ, nhưng tôi muốn cả hai đều cùng làm việc. Tôi không bao giờ nghĩ tới việc sẽ sống dựa dẫm, dưới tay một người đàn ông. Tôi không thích ở nhà ăn chơi tối ngày, trông con rồi chờ người đàn ông đó về.
- Tôi thấy có sự mâu thuẫn ở chị, một người phụ nữ yêu mến, gần gũi với cuộc sống gia đình nhưng lại không muốn có một mái ấm riêng của mình?
- Tính tôi yêu ai là yêu đến chết luôn, nhưng nếu đã bỏ hết tất cả vì một người đàn ông, liệu họ có lo cho tôi cả cuộc đời không? Tôi thấy nhiều người có vợ, có chồng, có con rồi cũng bỏ nhau. Hôn nhân lúc đầu đẹp như hoa, xong vào đó sống, người nào cũng héo. Tôi đã hy sinh rất nhiều, vì vậy tôi tin vào bản thân nhiều hơn là tin có người nào đó đến bên và lo lắng, bảo vệ hạnh phúc cho mình.
- Chị nghĩ mình có quá ngang bướng và cố chấp không?
- Không, không phải là cố chấp. Từ nhỏ tới lớn, cái gì tôi cũng làm được, tại sao tôi phải chịu để một người đàn ông sai khiến mình. Tôi không thích điều đó. Tôi thích một người đàn ông thông minh, có tài, có đức, biết thông cảm và chia sẻ với bạn đời, không cần họ phải giàu hay đẹp trai.
Những người đàn ông yêu tôi đều muốn tôi ở nhà. Họ muốn tôi lo cho gia đình. Tôi là nghệ sĩ, đi ra ngoài thì thôi nhưng ở nhà rất chu đáo. Tôi biết lo cho mọi người từng chút một, nấu nướng hay dọn dẹp tôi làm hết, không cần có người làm. Đàn ông thấy phụ nữ như vậy đều muốn lấy.
Dù mình có giỏi cỡ nào, kiếm tiền cỡ nào, họ cũng chỉ thích một người phụ nữ giỏi nội trợ, đảm việc nhà để họ an tâm đi làm. Tôi cũng thích điều đó, rất muốn nhưng không cam tâm vì cái gì mình cũng làm được. Xã hội còn nhiều người cần tôi nên không đàn ông nào giữ chân lại được. Tôi không coi thường đàn ông, nhưng tôi ra đi vì cảm thấy không có trách nhiệm phải sống như vậy.
- Vậy chị có sợ trở thành một phụ nữ già cô đơn?
- Già rồi trở thành bà cụ, có gì đâu mắc cỡ. Còn cô đơn đâu ai biết mình cô đơn đâu. Tôi không nghĩ xa xôi tới chuyện đó. Hiện tại, tôi làm được gì là làm. Nếu người đàn ông nào giỏi chứng minh đi, đến với tôi khi tôi già, lúc đó tôi mới phục người đàn ông ấy. Hiện tại, tôi có nhiều việc để làm. Thời gian rảnh, tôi về chùa với các con. Trong tương lai, tôi muốn mở một nhà hàng chay cho các con. Với tôi, cuộc sống lúc nào cũng cần có công việc để làm. Còn chuyện ăn uống, quần áo, chơi bời không thành vấn đề.