Mẹ chị Thanh - mẹ vợ của người phi công anh hùng - Thượng tá Hoàng Lại Long, nói trong nước mắt: “Tôi và em nó đến, chả thấy Long đâu nhưng người dân thì nói mãi về nó”.
“Một chị ở thôn 11 cứ nắm lấy tay em nó mà nói: “Chồng em rất dũng cảm. Máy bay đã cháy. Cả khối lửa ấy đã cố gắng tránh, luồn qua cả đường dây điện cao thế và lao vào bãi đất trống để không rơi xuống đám đông dưới kia. Anh ấy xứng đáng là anh hùng”, mẹ vợ anh Long nghẹn ngào kể lại.
Ngay khi nhận được tin chồng hy sinh, chị Thanh suy sụp, lái xe không vững, đổ sụp xuống đường. Cả ngày không ăn được gì. Đơn vị phải cử hai người đến chăm sóc, động viên.
Nỗi mất mát đến quá đột ngột, quá sức chịu đựng, chị Thanh cứ khóc mãi khi nói với mẹ chồng: “Đáng ra anh nghỉ phép đúng ngày này để đưa cháu họ đi thi đại học. Nhưng con nói tuần này anh trực, cứ để em đưa cháu đi. Nếu em không đi được thì anh xin nghỉ. Biết thế cứ để nhà con nghỉ đưa cháu đi thi”.
Phi công Hoàng Lại Long sinh năm 1961, vợ anh sinh năm 1977. Anh chị kết hôn năm 2001. Họ có một con gái lớn học lớp 7 và một cậu con trai năm nay mới học lớp 2. Gia đình anh Long hòa thuận, chồng bộ đội, vợ làm liên doanh nước ngoài. Cả hai đều hiền lành, sống mẫu mực, ai cũng quý. Anh ít nói nhưng hay giúp đỡ người khác, làm việc thì tận tụy, trách nhiệm.
Gia đình phi công Thượng tá Hoàng Lại Long. |
Chị họ anh Long kể, bố mẹ anh Long ở Trực Ninh, Nam Định đã mất từ lâu. Anh rất yêu nghề phi công và bắt đầu học lái máy bay từ năm 1978. Chị nói, đơn vị cho biết, đáng nhẽ lịch bay hướng dẫn tập luyện vào ngày thứ 7 nhưng hôm đó thời tiết xấu, nên hoãn lại sang ngày thứ 2. Ngày thứ hai là lịch trực của Long nên em nó lái. Nói đến đây, thương em, chị nghẹn lời: “Long nhiều tuổi nhưng con cái còn nhỏ, nhìn hai đứa, tôi thương quá”.
Nghe tin anh Long hy sinh, xóm giềng ở Mỹ Đình (Hà Nội) và Nam Định xót xa, ngỡ ngàng. Anh Đỗ Thế Chuyền, hàng xóm ở Nam Định tức tốc lên ngay Hà Nội chia buồn với gia đình. “Long làm thế trong lúc ngàn cân treo sợi tóc, tôi không lạ, vì tính Long trách nhiệm lại yêu nghề phi công. Với một phi công chân chính, tôi nghĩ ai cũng làm thế cả”, anh Chuyền nói.
Mẹ vợ Long coi anh như con trai, không bao giờ phân biệt “dâu con, rể khách”. Bà ở Thái Bình nhưng rất hay lên với con gái vì anh Long hay phải đi công tác. Một tháng, phi công được về có hai lần, sáng thứ bảy về rồi chiều chủ nhật lại tất tả đi ngay. “Nó đi công tác suốt, nhưng cứ gọi về là dặn mẹ ơi mẹ cố giữ gìn sức khỏe, để còn là chỗ dựa cho bọn con”, bà sụt sịt.
Tối muộn hôm qua, khi chúng tôi có mặt ở nhà anh Long tại Mỹ Đình để cố gắng xin được gia đình tấm ảnh anh khi còn sống, cánh cửa đóng im ỉm, cả nhà anh đã ở Trạm 99 của Quân chủng Phòng không - không quân. Hàng xóm láng giềng cũng ngóng chờ người nhà anh về để hỏi thăm, chia sẻ, nhưng cánh cửa cứ đóng mãi.
Tối nay, nhà anh tắt đèn, nhưng nhờ hành động dũng cảm của anh, nhiều gia đình khác đã có được những buổi tối bình yên, những sáng thức giấc vẫn quây quần, đầm ấm. Bà con thôn 11, xã Thạch Hòa, nơi chiếc máy bay rơi xuống sẽ còn mãi nhớ về anh.