Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Phi cơ ném bom Trung Quốc lộ điểm yếu khi tuần tra chung với Nga

Tầm bay, tải trọng vũ khí hạn chế của phi cơ H-6K đã phơi bày trong chuyến tuần tra chung với không quân Nga, cho thấy nó không phải là máy bay ném bom chiến lược.

Chuyến tuần tra chung giữa máy bay ném bom Trung Quốc và Nga đã phơi bày những hạn chế của máy bay ném bom H-6K. Điều này có thể kìm hãm tham vọng của Bắc Kinh trong việc vươn ra Tây Thái Bình Dương, South China Morning Post dẫn lời các chuyên gia bình luận.

Bộ Quốc phòng Nga cho biết 4 máy bay ném bom H-6K của Trung Quốc và 2 chiếc Tu-95 của Nga đã tuần tra chung ở Tây Thái Bình Dương hôm 22/12.

Đây là lần thứ 2 không quân Nga - Trung tuần tra chung và cách thức thực hiện chuyến tuần tra đã cho thấy sự hạn chế về năng lực của H-6K. Trong cả hai chuyến tuần tra chung, máy bay ném bom Tu-95 đều bay từ Nga đến vùng biển Nhật Bản và Hoa Đông, sau đó hội quân cùng các phi cơ H-6K cất cánh từ Trung Quốc.

Khu vực tuần tra cũng chỉ gói gọn xung quanh biển Nhật Bản và Hoa Đông mà không đi xa hơn, vì H-6K không có khả năng tiếp nhiên liệu trên không, ngoại trừ phiên bản H-6N. Đây là một thiếu sót lớn làm hạn chế năng lực của không quân tầm xa Trung Quốc.

Không quân Trung Quốc có khoảng 160-180 máy bay ném bom H-6K - phi cơ ném bom chủ lực hiện đại nhất của họ. H-6K có tầm bay khoảng 6.000 km, kém xa so với các phi cơ ném bom của Nga và Mỹ.

Khong quan Trung Quoc anh 1

Phi cơ H-6K của Trung Quốc nhìn từ máy bay chiến đấu của Nga trong chuyến tuần tra chung. Ảnh: AP.

Cánh chính của H-6K có thể chịu được tải trọng 160 kg/m2. Trong khi đó, máy bay ném bom Tu-95 của Nga có tầm bay khoảng 15.000 km và cánh chính của nó có thể chịu được tải trọng tới 606 kg/m2.

Máy bay ném bom chiến lược Tu-160 của Nga có tầm bay khoảng 12.300 km. Cánh chính của nó có thể chịu tải trọng 742 kg/m2. Máy bay ném bom chiến lược siêu thanh B-1B Lancer của Mỹ có tầm bay khoảng 9.400 km, khả năng chịu tải trọng của cánh là 820 kg/m2.

Jon Grevatt, chuyên gia về máy bay chiến đấu thuộc tạp chí quốc phòng Janes, cho rằng những hạn chế về tầm bay và tải trọng sẽ làm giảm sức mạnh của không quân tầm xa Trung Quốc.

“H-6 được phát triển dựa trên một loại máy bay ném bom rất cũ của Nga là Tu-16, được giới thiệu vào những năm 1950. Dù Trung Quốc đã cập nhật một số công nghệ mới, nhưng về cơ bản nó vẫn là một thiết kế rất lạc hậu”, ông Grevatt nói.

“Máy bay ném bom của Trung Quốc không thể bay xa mà không cần tiếp nhiên liệu. Nó cũng không thể mang tải trọng vũ khí như phi cơ của Mỹ và Nga”, ông nói thêm.

Song Zhongping, cựu sĩ quan đội Trung Quốc, thừa nhận việc thiếu khả năng tàng hình khiến máy bay ném bom Trung Quốc khó xuyên thủng các hệ thống phòng không đối phương. Nó cũng không thể được coi là máy bay ném bom chiến lược đường dài.

Bắc Kinh đang phát triển máy bay ném bom chiến lược tàng hình H-20 để bù đắp những thiếu sót trong không quân chiến lược tầm xa.

Nhật, Hàn xuất kích máy bay khi Nga - Trung tuần tra chung

Hàn Quốc và Nhật Bản đã cho máy bay xuất kích ngăn chặn cuộc tuần tra chung của máy bay ném bom Nga, Trung Quốc trên vùng biển tây Thái Bình Dương.

Tàu khu trục Mỹ tuần tra tự do hàng hải trên Biển Đông

Hạm đội 7 ngày 22/12 thông báo tàu khu trục USS John S. McCain vừa thực hiện sứ mệnh hoạt động tự do hàng hải (FONOP) gần quần đảo Trường Sa trên Biển Đông.

Trung Hiếu

Bạn có thể quan tâm