Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Phép màu của thuốc kháng sinh

Howard Florey và Ernst Chain dựa trên phát hiện của Alexander Fleming để phát triển loại thuốc cứu tinh cho sự sống.

Hai kỹ thuật viên phòng thí nghiệm tại một nhà máy penicillin ở Liverpool, vương quốc Anh đang chuẩn bị mẫu để kiểm tra vi trùng vào năm 1946. Ảnh trong sách.

Chuyện xảy ra vào tháng 9 năm 1928. Nhà vi trùng học người Scotland Alexander Fleming đang cho một người bạn xem một số đĩa ông dùng để nuôi vi khuẩn. Đột nhiên ông dừng lại. Chiếc đĩa trong tay ông đầy vi khuẩn, nhưng cũng có một mảng mốc và xung quanh mảng mốc đó không có vi khuẩn.

Vi khuẩn có thể phát triển trong các đĩa chứa đầy thạch dinh dưỡng. Fleming đã chất hàng đống đĩa này xung quanh mình, từ đó dẫn đến phát hiện may mắn của ông.

Lúc bấy giờ Fleming đang làm việc tại các phòng thí nghiệm vắc-xin của Sir Almroth Wright ở Bệnh viện St Mary’s, London. Tại đây, ông nuôi thêm nấm mốc và tạo ra một chất chiết xuất mà ông gọi là penicillin. Ông thử nghiệm penicillin, sử dụng nó để chữa bệnh nhiễm trùng mắt và viết về nó, nhưng không theo đuổi xa hơn vì có mối quan tâm lớn hơn đến vắc-xin.

Ông nghĩ penicillin sẽ được sử dụng tốt nhất trong các phòng thí nghiệm. Mười năm sau, nhà sinh hóa học người Đức Ernst Chain khi đang làm việc tại trường Y Sir William Dunn ở Oxford, Anh đề nghị với cấp trên là nhà nghiên cứu bệnh học người Úc Howard Florey rằng nên nghiên cứu penicillin.

Fleming nghĩ rằng penicillin sẽ rất hiệu quả trong việc loại bỏ những vi khuẩn không mong muốn trong phòng thí nghiệm. Nhưng Florey và Chain đã nhìn thấy tiềm năng chữa bệnh của nó và là những người đầu tiên thử nghiệm kháng sinh trên chuột.

Florey quyết định kiểm tra xem liệu penicillin có ảnh hưởng đến vi khuẩn bên trong động vật hay không - điều mà Fleming chưa thử. Nhiệm vụ của Chain là cách ly chất hoạt tính ra khỏi nấm mốc.

thuoc khang sinh anh 1

Một áp phích quảng cáo penicillin trong Chiến tranh thế giới thứ hai. Ảnh trong sách.

Tháng 5 năm 1940, Florey tiêm các loại vi khuẩn gây tử vong vào 8 con chuột. Sau đó, ông tiêm penicillin cho 4 trong số 8 con. Ngày hôm sau, những con chuột không được tiêm đã chết, nhưng những con được tiêm vẫn ổn. Florey gọi điện cho một đồng nghiệp. “Đó là một điều kỳ diệu”, ông nói.

Florey muốn thử nghiệm penicillin trên bệnh nhân, nhưng để sản xuất đủ, ông phải biến phòng thí nghiệm thành một nhà máy. Không lâu sau phòng thí nghiệm của ông đầy đường ống và khói hóa chất. Đến tháng 2 năm 1941, ông đã có đủ penicillin cho thử nghiệm lần đầu tiên trên người.

Viên cảnh sát Albert Alexander đang bị nhiễm trùng nặng bắt đầu nhận được penicillin vào ngày 12 tháng 2 năm 1941. Kết quả thật ngoạn mục. Alexander suýt hồi phục, nhưng Florey không có đủ penicillin để tiếp tục điều trị và viên cảnh sát đã chết.

Sau đó, có thêm 5 bệnh nhân được dùng penicillin. Tất cả đều có tiến triển tốt. Một số đã được cứu sống. Florey quyết định tạo ra nhiều penicillin hơn. Trong thời chiến ở Anh, không ai giúp được ông, vì vậy, ông đã đến Mỹ. Ở đó, các chuyên gia đã nghĩ ra cách tốt hơn để phát triển nấm mốc và một công ty dược phẩm bắt đầu sản xuất penicillin hàng loạt.

Số penicillin này rất cần thiết, vì đến tháng 12 năm 1941, nước Mỹ lâm vào cảnh chiến tranh. Trở lại Anh, quá trình sản xuất tại phòng thí nghiệm của Florey đã được đẩy mạnh, các công ty hóa chất bắt đầu trợ giúp và các cuộc thử nghiệm tiếp theo được tiến hành.

Đến năm 1943, người ta không còn nghi ngờ gì nữa. Penicillin chính là phao cứu sinh. Nhờ có Fleming, Chain và Florey, loại thuốc kháng sinh đầu tiên đã ra đời. Những người khác theo sau trong vòng vài năm. Họ đã cùng nhau cứu sống hàng triệu người.

Roger Bridgman / Zenbooks và NXB Dân trí

SÁCH HAY