Ngày 13/6, trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Hùng Long, Phó Cục trưởng An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho rằng, mẫu cá nục bị nhiễm phenol ở Quảng Trị không gây nguy hiểm với người.
Theo ông này, phenol có thể có trong tự nhiên, có trong cà chua, táo, lạc… Chưa có bằng chứng chất này gây ung thư và Viện Nghiên cứu ung thư Quốc tế, Cơ quan quản lý môi trường Mỹ không xếp phenol vào nhóm hóa chất gây ung thư ở người.
Cá nục có phenol ở Quảng Trị được cho là sử dụng hàng ngày vẫn không gây nguy hiểm. |
Ông Long dẫn chứng một thí nghiệm, phenol gây chết 50% các sinh vật thử nghiệm như chuột với liều lượng 300 – 600 mg/kg thể trọng.
Theo Phó cục trưởng an toàn thực phẩm, hiện nay tất cả tài liệu của Codex, Châu Âu, chưa có cơ quan, tổ chức, nhà nước nào quy định mức giới hạn của phenol trong hải sản. Tuy nhiên, một số cơ quan quản lý thực phẩm châu Âu có nghiên cứu về lượng ăn vào hàng ngày cho thấy mức chịu đựng được của cơ thể người là 0,18 mcrogam/kg thể trọng/ngày.
Trở lại với công bố của Quảng Trị, với mức phát hiện 0,037 mg/kg cá. Ở mức này, một người Việt Nam có trọng lượng khoảng 50 – 55 kg ăn cá nục hàng ngày với lượng 0,2 kg không ảnh hưởng đến sức khỏe.
“Hiện, UBND tỉnh đang lấy mẫu tiếp để gửi ra thử nghiệm. Kết quả mức đấy không bị ảnh hưởng. Ăn liên tục, ngày nào cũng ăn thì cũng không bị ảnh hưởng”, ông Long khẳng định.
Ông Long cho biết, phenol có cả công nghiệp, trong thực phẩm cũng có sẵn. Phenol được sử dụng làm hương liệu vì có mùi thơm.
"UBND tỉnh Quảng Trị đang tiếp tục chỉ đạo, tỉnh lấy thêm mẫu kiểm nghiệm. Trong thời gian đến có kết quả, chúng tôi kiến nghị nghị tạm dừng, chưa lưu thông lô đó”, ông Long nói.