Dù vậy, gần như tất cả nghị sĩ Cộng hòa đều tận dụng tuần nghỉ để giữ im lặng, bất chấp các bằng chứng mới về ý định của Tổng thống Trump muốn gây sức ép lên Ukraine để đạt mục đích chính trị cá nhân, theo CNN.
Sức ép từ ông chủ Nhà Trắng là rõ ràng, khiến những người cùng đảng không dám chỉ trích ông.
Việc ông Trump đả kích Thượng nghị sĩ bang Utah cùng đảng, và cũng là ứng viên tổng thống năm 2012, Mitt Romney, rồi gọi ông Romney là “tên ngốc tinh tướng”, càng cho thấy cái giá mà nghị sĩ Cộng hòa phải trả nếu phản bác tổng thống.
Tổng thống Trump dự một hội nghị ở Nhà Trắng ngày 4/10. Ảnh: AP. |
Dùng cử tri để gây áp lực lên đảng Cộng hòa
Trong khi đó, ông Trump càng làm lớn những buổi vận động tranh cử sẽ diễn ra tuần này ở Minnesota và Louisana, phô trương sự ủng hộ mạnh mẽ mà cử tri dành cho mình. Nhờ vậy, ông tăng sức ép lên bất kỳ nghị sĩ Cộng hòa nào đang do dự trước khi quốc hội họp lại vào tuần sau.
Những phát ngôn cuối tuần qua cho thấy dù vụ bê bối có kéo dài hơn với những hé lộ mới, chiến lược của ông Trump đang thành công trong việc chặn những nghị sĩ Cộng hòa muốn rời bỏ ông.
Điều này đặc biệt quan trọng vì nếu luận tội được chuyển lên Thượng viện, phiếu của đảng Cộng hòa, đang chiếm đa số, sẽ giúp ông giữ được chức tổng thống.
Những diễn biến mới ngày càng làm nổi lên câu hỏi trung tâm của việc luận tội là: liệu một tổng thống có được dùng quyền lực của mình, thậm chí một cách công khai, để gây áp lực cho chính phủ nước ngoài điều tra đối thủ chính trị, ngay trước bầu cử hay không?
Phản ứng của giới lãnh đạo Washington trong thời khắc quan trọng này chính là những gì mà thế hệ sau sẽ nhìn vào để phán xét. Nói cách khác, ngay lúc này, từng trang của lịch sử đang được viết ra, CNN bình luận.
Người tố giác thứ hai
Diễn biến quan trọng nhất trong những ngày là việc các luật sư đại diện cho người tố giác đầu tiên đang đại diện cho người tố giác thứ hai.
Luật sư Mark Zaid nói với CNN rằng nhân vật mới này làm việc cho giới tình báo và có thông tin trực tiếp có thể củng cố những lời khẳng định của người tố giác đầu tiên.
Người tố giác đầu tiên cáo buộc ông Trump lạm dụng quyền lực để yêu cầu Ukraine điều tra đối thủ chính trị, ông Joe Biden. Người này cũng nói Nhà Trắng đã cố tình che đậy vụ việc.
Luật sư Mark Zaid. Ảnh: Getty Images. |
Sự xuất hiện của người tố giác thứ hai có thể “thổi bay” lập luận bảo vệ Tổng thống Trump hiện giờ của đảng Cộng hòa, cho rằng người tố giác đầu chỉ có thông tin gián tiếp.
Người phát ngôn Nhà Trắng Stephanie Grisham khẳng định dù có người tố giác thứ hai, vụ việc không thay đổi.
“Có bao nhiêu người muốn biến mình thành người tố giác, về cùng một cuộc điện đàm, cũng đều không quan trọng, vì cuộc gọi đã được công bố. Có thêm người tố giác không thay đổi sự thật là tổng thống không làm gì sai”, bà Grisham nói hôm 6/10.
Ngày 6/10, một nhóm 90 cựu quan chức an ninh quốc gia từng phục vụ trong cả chính quyền Dân chủ lẫn Cộng hòa ký thư khen ngợi người tố giác vì đã đi theo con đường pháp lý phù hợp, và kêu gọi chính phủ, truyền thông bảo vệ danh tính người tố giác, theo Wall Street Journal.
Do vậy, lý lẽ của Nhà Trắng sẽ tập trung chứng tỏ cuộc gọi giữa ông Trump và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky không hàm chứa lời đề nghị đổi trác (quid pro quo) nào, dù ông Trump có nói rằng muốn “nhờ một việc” ngay sau khi bàn về viện trợ quân sự cho Ukraine.
Tin nhắn giữa các quan chức Mỹ, công bố ngày 3/10, có vẻ đã củng cố lập luận rằng ông Trump trên thực tế đã đề nghị đổi trác, cụ thể là việc dừng treo viện trợ quân sự cho Ukraine đổi lấy việc Kiev điều tra ông Joe Biden.
Nhà Trắng vẫn khăng khăng là ông Trump không làm gì sai. Ảnh: Getty Images. |
Bức tường quanh ông Trump sụp đổ?
Trên truyền thông ngày 6/10, sau khi ông Trump đả kích ông Romney, các nghị sĩ Cộng hòa tiếp tục bảo vệ tổng thống.
Thượng nghị sĩ Susan Collins của Maine đánh giá ông Trump đã “mắc sai lầm khi nói là muốn Trung Quốc điều tra đối thủ chính trị”, nhưng bà cũng chỉ trích Chủ tịch Ủy ban Tình báo Hạ viện Adam Schiff (đảng Dân chủ) “đã lừa dối” người dân về nội dung cuộc điện đàm Trump-Ukraine.
Hạ nghị sĩ Chris Stewart, đảng Cộng hòa, bang Utah, lên án đảng Dân chủ trên Fox News: “Ba năm nay họ đã luôn tìm lý do để cách chức tổng thống. Họ không ngần ngại gì”.
Nhưng Hạ nghị sĩ Dân chủ Jim Himes của bang Connecticut cho rằng việc xuất hiện người tố giác thứ hai cho thấy bức tường bao quanh ông Trump đang bắt đầu sụp đổ.
“Những người xung quanh tổng thống... đang chứng kiến những gì đang diễn ra và nói ‘trời ơi, không thể cứ thế này mãi’, và họ đang lên tiếng”, ông Himes trả lời CBS.
“Tôi kinh hãi với lập trường mà đảng Cộng hòa đã lựa chọn”, Thượng nghị sĩ Chris Murphy, đảng Dân chủ, bang Connecticut, nói trên NBC. “Cả nước đang ờ thời điểm đáng sợ và cần những người yêu nước. Nhưng chúng ta lại đang có sự trung thành đảng phái mù quáng”.