Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Phát triển văn hóa đọc trong trường học là mục tiêu quan trọng

Ông Lâm Đình Thắng, Bí thư Quận ủy quận 9, TP.HCM, kỳ vọng việc phát triển văn hóa đọc trong thanh, thiếu niên sẽ góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

Sáng 23/9, lễ ký kết liên tịch về việc phát triển văn hóa đọc giữa Hội Xuất bản Việt Nam, Công ty TNHH Đường sách TP.HCM, Trung tâm Phát triển Khoa học & Công nghệ trẻ (Thành đoàn TP.HCM) và UBND quận 9 diễn ra tại TP.HCM.

Theo nội dung ký kết, Trung tâm Phát triển Khoa học & Công nghệ trẻ sẽ tặng 34 tủ sách cho các trường học trên địa bàn quận 9. Trung tâm phối hợp Hội Xuất bản Việt Nam xây dựng danh mục sách trong trường học. Đây cũng là đơn vị thiết kế phần mềm khảo sát tỷ lệ đọc sách của học sinh, tổ chức các cuộc thi bình luận, giới thiệu sách.

phat trien van hoa doc anh 1

Các đơn vị ký liên tịch về việc tổ chức, phát triển các hoạt động văn hóa đọc trong trường học tại quận 9. Ảnh: M.N.

Hội Xuất bản Việt Nam có vai trò tư vấn nội dung, khảo sát số lượng sách đọc trong năm của học sinh. Hội sẽ hỗ trợ các trường tổ chức hoạt động trải nghiệm đường sách và phối hợp Trung tâm Phát triển Khoa học & Công nghệ trẻ tổ chức các ngày hội văn hóa đọc.

Việc tổ chức tập huấn chuyên đề, hướng dẫn cho cán bộ, giáo viên, nhân viên thư viện của các trường về việc phát triển văn hóa đọc sẽ do Hội Xuất bản Việt Nam hỗ trợ.

Về phía quận 9, phòng GD&ĐT sẽ là đầu mối triển khai các kế hoạch, phối hợp các đơn vị khảo sát tỷ lệ đọc sách của học sinh vào đầu và cuối năm học. Phòng phải chỉ đạo các trường sắp xếp thời gian tổ chức các tiết đọc sách và bồi dưỡng đội ngũ giáo viên, cán bộ thư viện.

Phát biểu tại buổi lễ, ông Lâm Đình Thắng, Bí thư Quận ủy quận 9, đề nghị phòng giáo dục quan tâm nhiều hơn đến phát triển văn hóa đọc cho học sinh.

Theo ông, cùng đào tạo chuyên môn, trường học có vai trò quan trọng trong việc rèn luyện, định hình thói quen đọc sách cho học sinh.

Thầy, cô giáo có vai trò quan trọng trong việc giúp học sinh hình thành thói quen tự học, tự rèn luyện suốt đời. Đây là phẩm chất, kỹ năng rất cần trang bị cho mỗi công dân.

Ngoài đầu tư cho giáo dục trong nhà trường, ông Thắng đề nghị phòng giáo dục phải trang bị cho học sinh kiến thức ngoài xã hội thông qua đọc sách, để các em có thể phát triển toàn diện.

phat trien van hoa doc anh 2

Ông Lâm Đình Thắng đề cao vai trò của văn hóa đọc đối với việc phát triển nguồn nhân lực. Ảnh: M.N.

Trong năm học này, ông Lâm Đình Thắng đề nghị phòng giáo dục quan tâm 3 vấn đề. Phòng phải xây dựng tiết đọc sách trong nhà trường và giới thiệu cho học sinh về vai trò của văn hóa đọc, gồm cả cách lựa chọn sách, kỹ năng đọc.

Nâng cao chất lượng của thư viện cũng là vấn đề cần được chú trọng. Thư viện là một yếu tố, thành phần quan trọng thúc đẩy văn hóa đọc.

Các trường tác động bằng nhiều biện pháp, phong trào để tăng số lượng sách đọc của mỗi học sinh một cách tự nhiên, không gượng ép, từng bước xây dựng thói quen, sự say mê đọc sách trong học sinh.

"Chúng ta xác định mục tiêu rất cụ thể là phải nâng cao số lượng sách đọc trong một năm của học sinh. Con số này của quận 9 ít nhất phải cao hơn mặt bằng chung của thành phố hoặc của cả nước. Quận đang phấn đấu như vậy", ông Thắng chia sẻ.

Nhà xuất bản, giáo viên cùng xây dựng danh mục sách tham khảo

Nhà xuất bản, giáo viên, người bán và người mua sẽ cùng xây dựng danh mục sách tham khảo, nhằm phát triển văn hóa đọc trong nhà trường theo chương trình giáo dục phổ thông mới.

Minh Nhật

Bạn có thể quan tâm