Nhiều tàu chuyển hướng khai thác
Theo báo cáo của Tổng cục Thủy sản, hiện nay tại 3 tỉnh Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa có 2.826 tàu tham gia khai thác cá ngừ, trong đó có 1.872 tàu câu vàng và câu tay, 675 tàu khai thác bằng nghề lưới vây, 279 tàu khai thác bằng nghề lưới rê.
Sản lượng cá ngừ vây vàng, mắt to trong 6 tháng đầu năm 2015 của 3 tỉnh này đạt trên 9.800 tấn. Trong đó, Bình Định đạt 4.269 tấn, giảm 3,8% so với cùng kỳ năm 2014; Phú Yên đạt 3.243 tấn, giảm 7,5% so cùng kỳ; Khánh Hòa đạt 2.295 tấn, giảm 3,5% so với cùng kỳ.
Trong 6 tháng đầu năm 2015, giá cá ngừ trong nước giảm hơn so với cùng kỳ năm 2014. Cụ thể, giá cá ngừ câu vàng dao động từ 120.000-135.000đồng/kg; cá ngừ câu tay có giá từ 90.000-100.000 đồng/kg, giảm từ 10-20% so với cùng kỳ năm 2014. Đặc biệt giá cá ngừ vằn và một số loại cá ngừ khác giảm gần 30%, giá biến động chỉ từ 20.000-28.000 đồng/kg.
Các thị trường nhập khẩu yêu cầu cao về chất lượng, đặc biệt đối với sản phẩm cá ngừ tươi sống, đông lạnh. |
Theo các địa phương, trong 6 tháng đầu năm 2015, khoảng 70% số tàu khai thác đã có nhiều tàu câu cá ngừ chuyển sang làm nghề khai thác cá chuồn vì hiệu quả cao hơn.
Tính đến ngày 15/6/2015, kim ngạch xuất khẩu cá ngừ đạt 205,960 triệu USD, giảm 8,1% so với cùng kỳ năm 2014. Đứng đầu về xuất khẩu vẫn là thị trường Mỹ, tiếp theo là EU, ASEAN, Nhật Bản…
Hiện nay, các thị trường nhập khẩu yêu cầu cao về chất lượng, đặc biệt đối với sản phẩm cá ngừ tươi sống, đông lạnh (mã HS03), trong khi đó sản phẩm của Việt Nam đáp ứng được yêu cầu chưa nhiều.
Nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị cá ngừ đại dương (cá ngừ mắt to, cá ngừ vây vàng, cá ngừ vằn) theo hướng công nghiệp, hiện đại, gắn khai thác với thu mua, chế biến và tiêu thụ sản phẩm, hài hòa lợi ích giữa ngư dân và doanh nghiệp,… ngày 6/8/2014, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT đã ban hành Quyết định số 3465/QĐ-BNN-TCTS phê duyệt đề án “Thí điểm tổ chức khai thác, thu mua, chế biến, tiêu thụ cá ngừ theo chuỗi”.
Sau gần 1 năm thực hiện, Bộ NN&PTNT đã tổ chức sơ kết đề án và đề ra những phương hướng để phát triển cả ngừ theo chuỗi ngành hàng trong thời gian tới.
Hiện nay, việc phát triển sản xuất cá ngừ đang gặp một số khó khăn vướng mắc như: Ngư dân thiếu vốn lưu động phục vụ sản xuất; công nghệ khai thác và bảo quản sau thu hoạch còn lạc hậu, chuyển sang công nghệ tiên tiến gặp nhiều khó khăn về vốn đầu tư cũng như trình độ tiếp cận khoa học kỹ thuật của ngư dân.
Cùng với đó, việc đào tạo lao động tham gia mô hình còn thiếu bền vững do chưa có sự gắn kết giữa chủ tàu và ngư dân, công tác dự báo ngư trường chưa theo kịp thực tế. Tại một số địa phương, cam kết giữa chủ tàu và doanh nghiệp bị phá vỡ; dịch vụ hậu cần cho nghề cá ngừ còn thiếu, đặc biệt là chưa có cảng cá ngừ chuyên dụng…
Minh bạch chuỗi, gỡ vốn tín dụng
Mới đây, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám đã chỉ đạo các đơn vị thuộc Tổng cục Thủy sản và Viện Nghiên cứu Hải sản tập trung đồng bộ các giải pháp từ hợp tác quốc tế (học hỏi mô hình đánh bắt cá ngừ của Philippines); kiểm soát đóng mới tàu cá; yêu cầu kỹ thuật với cảng cá ngừ chuyên dụng... cho đến đưa ra phân tích minh bạch rủi ro giữa doanh nghiệp và chủ tàu để bảo đảm tính bền vững của chuỗi.
Việc triển khai đề án vẫn còn một số tồn tại cần tháo gỡ, đặc biệt là việc vay vốn tín dụng ngắn hạn phục vụ cho từng chuyến biển của ngư dân; tuyển dụng, sử dụng lao động trên tàu thiếu ổn định, đào tạo tập huấn cho ngư dân chuyên nghiệp còn khó khăn. V
Để tiếp tục triển khai đề án một cách hiệu quả, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT đã yêu cầu các địa phương bám sát các doanh nghiệp, người dân đã được lựa chọn tham gia chuỗi, lắng nghe vướng mắc và tìm cách tháo gỡ, đặc biệt là vấn đề vay vốn tín dụng ngắn hạn phục vụ sản xuất.
Các địa phương tiếp tục phối hợp với các đơn vị của Bộ, đối tác quốc tế để tranh thủ sự hỗ trợ về công nghệ và kỹ thuật tiên tiến của nước ngoài và vận dụng sáng tạo vào điều kiện thực tế ở Việt Nam, khuyến khích nghiên cứu, chế tạo trang thiết bị trong nước; các địa phương khẩn trương đưa vào kế hoạch 2016 và kế hoạch trung hạn việc xây dựng cảng cá ngừ chuyên dụng để tổng hợp trình Bộ.
Các doanh nghiệp được chọn tham gia mô hình đã có nhiều sáng tạo trong triển khai, cần tiếp tục nghiên cứu lộ trình cũng như tính khả thi của mô hình, có bước đi phù hợp để đảm bảo tính bền vững của mô hình.
Đặc biệt, Thứ trưởng yêu cầu Tổng cục Thủy sản bám sát thực tiễn của địa phương để cùng tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, cùng với đó đơn vị này cần tham mưu cho Bộ có văn bản gửi Ngân hàng Nhà nước để tháo gỡ vướng mắc trong việc vay vốn lưu động phục vụ sản xuất.
Viện Nghiên cứu Hải sản cần cải tiến công nghệ dự báo ngư trường theo hướng hiện đại phổ biến cho ngư dân để phục vụ việc đánh bắt có hiệu quả. Tiếp tục nghiên cứu, nghiệm thu các đề tài về công nghệ khai thác, bảo quản sản phẩm, mô hình tàu vây đuôi khai thác cá ngừ để đưa vào ứng dụng.
Trung tâm Khuyến nông quốc gia cần đổi mới cách thức tập huấn, đào tạo nghề cho ngư dân theo hướng thực hành trực tiếp trên tàu, sớm chuyển giao công nghệ mới, tổng kết mô hình trình diễn để phổ biến nhân rộng.
Hiệp hội Cá ngừ Việt Nam tiếp tục làm tốt chức năng bảo vệ lợi ích của ngư dân, phản biện chính sách, sớm triển khai xây dựng nhãn hàng sinh thái MSC cho sản phẩm cá ngừ Việt Nam.