Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Việt Nam hợp tác với Philippines khai thác, chế biến cá ngừ

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám cho biết, Việt Nam đã và sẽ cử đoàn công tác sang Philippines học hỏi kinh nghiệm khai thác, chế biến cá ngừ.

    Theo Thứ trưởng, Việt Nam đã có hiệp định nghề cá với Philippines và hai nước đã mở đường dây nóng thông tin những vấn đề phát sinh đột xuất về nghề cá trên biển. Vừa qua, ông Vũ Văn Tám đã dẫn đầu đoàn công tác của Bộ NN&PTNN thăm thành phố General Santos-thủ phủ cá ngừ của Philippines.

    Sau chuyến thăm, ông Vũ Văn Tám cho rằng, phía nước bạn muốn học hỏi Việt Nam về nuôi trồng thủy sản, công nghệ chế biến; nhưng về công nghệ khai thác, chế biến cá ngừ, sản xuất rong biển và một số lĩnh vực khác thì Việt Nam cần học hỏi Philippines.

    Ông Tám cũng tiết lộ rằng, nhiều doanh nghiệp Mỹ nhập khẩu cá ngừ Philippines là của Việt kiều. Thông tin này khiến ngành khai thác, chế biến cá ngừ trong nước phải "nhìn lại mình".

    Ngành cá ngừ Việt Nam cần nâng cao chất lượng khai thác, chế biến.
    Ngành cá ngừ Việt Nam cần nâng cao chất lượng khai thác, chế biến.

    Dự kiến, tháng 9 tới đây, Bộ sẽ tổ chức đoàn sang General Santos và một số thành phố chuyên nghề cá ngừ khác để học hỏi, trao đổi kinh nghiệm.

    Theo báo cáo của Tổng cục Thủy sản, ba tỉnh Bình Định, Phú Yên và Khánh Hòa có 2.826 tàu khai thác cá ngừ. Sản lượng khai thác cá ngừ vây vàng và mắt to 6 tháng đầu năm là 9.807 tấn, cá ngừ vằn đạt khoảng 32.650 tấn.

    Trong đó, 70% tàu khai thác đủ chi phí và có lãi, 30% tàu còn lại bị lỗ. Tại Phú Yên, do chi phí khai thác cá ngừ cao và thời gian kéo dài, gần 100 tàu cá đã chuyển sang đánh cá chuồn hoặc vừa đánh cá chuồn vừa câu cá ngừ đại dương.

    Hiện nay, ngành cá ngừ đại dương Việt Nam đang gặp khó khăn. Do biến đổi khí hậu, ở ngư trường biển Đông lượng cá ngừ giảm 30%, sản lượng khai thác của Việt Nam trong 6 tháng đầu năm giảm, trong khi đó ở một số nước sản lượng vẫn tăng, dẫn đến giá cá ngừ bị giảm 10-30% so với cùng kì năm ngoái. Kim ngạch xuất khẩu tính đến 15/6 giảm 8,1% so với cùng kỳ 2014.

    Để nâng cao chất lượng khai thác, chế biến cá ngừ, từ cuối năm 2014, Bộ NN&PTNN đã triển khai đề án “Thí điểm tổ chức khai thác, thu mua, chế biến, tiêu thụ cá ngừ theo chuỗi”. Có 3 chuỗi liên kết chính đang được triển khai là chuỗi liên kết hoàn toàn của doanh nghiệp; doanh nghiệp - ngư dân; doanh nghiệp – chủ vựa – ngư dân.

    Hiện nay, những “mắc xích” trong chuỗi liên kết này đều chưa thỏa mãn. Ngư dân chê chủ vựa, doanh nghiệp mua giá thấp. Doanh nghiệp than phiền ngư dân không tuân thủ quy trình kĩ thuật khai thác và bảo quản. Ngư dân và doanh nghiệp “than” thiếu vốn lưu động, ngân hàng sợ rủi ro.

    Tại hội nghị sơ kết 6 tháng triển khai đề án “Thí điểm tổ chức khai thác, thu mua, chế biến, tiêu thụ cá ngừ theo chuỗi” tổ chức sáng 21/7 tại UBND tỉnh Phú Yên, các ý kiến cho rằng ngành cá ngừ Việt Nam cần nâng cao chất lượng khai thác, chế biến; đầu tư cảng cá chuyên dụng; xác định sản phẩm thế mạnh, mở rộng thị trường tiêu thụ...

    Hợp tác quốc tế được xem là một nội dung quan trọng để phát triển ngành cá ngừ Việt Nam. Tiêu biểu như dự án "Xác định và phổ biến phương pháp-thiết bị đánh bắt nhằm hiện đại hóa nghề đánh bắt cá ngừ ở Việt Nam" do Sở NN&PTNT Bình Định phối hợp với Tập đoàn KATO-Nhật Bản, Trường Đại học Kagoshima, Công ty TNHH Yamada Jitsugyo.

    Vì sao cá ngừ không được quán Nhật ở Việt Nam ưa chuộng?

    Trong khi người Nhật mê mẩn món cá ngừ thì người Việt lại không mấy hào hứng. Mức tiêu thụ cá ngừ tại quán ăn Nhật Bản ở Việt Nam cũng thua xa cá trích, cá hồi và các loại khác.

    http://laodong.com.vn/kinh-doanh/viet-nam-hop-tac-voi-philippines-khai-thac-che-bien-ca-ngu-355876.bld

    Theo Linh Phạm/Lao Động

    Bạn có thể quan tâm