Chiều 6/8, tại tỉnh Quảng Nam diễn ra hội thảo nâng tầm sâm Ngọc Linh thành thương hiệu quốc gia. Hội thảo nhằm phân tích, đánh giá toàn diện về cơ chế, chính sách và thực trạng quy hoạch vùng trồng sâm Ngọc Linh và tìm giải pháp thúc đẩy mở rộng, phát triển vùng nguyên liệu sâm Ngọc Linh.
Ngành công nghiệp chế biến sâm Ngọc Linh
Ông Hồ Quang Bửu, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, cho biết địa phương đã có tờ trình gửi Thủ tướng đề nghị xây dựng và phê duyệt chương trình quốc gia phát triển sâm Ngọc Linh giai đoạn 2021-2030 và định hướng đến năm 2045.
"Việc xây dựng chương trình phát triển sâm Ngọc Linh rất cần thiết để tỉnh có cơ chế và dành nguồn lực phát triển cây sâm trở thành nhóm ngành kinh tế mang lại giá trị cao của đất nước, đưa sâm Việt ra thế giới", ông Bửu nói.
Theo Vụ Quản lý rừng đặc dụng - phòng hộ, các tỉnh trồng sâm Ngọc Linh cần hình thành vùng nguyên liệu tập trung, đạt 300 tấn/năm từ năm 2030. Ảnh: Thanh Đức. |
Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho hay năm 2017, Thủ tướng đã phê duyệt bổ sung Sâm Ngọc Linh là sản phẩm Quốc gia. Ông nhận định sâm Ngọc Linh mang lại 3 giá trị là sinh kế cho người dân, bảo vệ rừng và sức khỏe.
"Hàn Quốc là đất nước đã hình thành ngành công nghiệp sâm với thương hiệu toàn thế giới. Việt Nam cũng cần có giải pháp để trong thời gian tới ngang với sâm Hàn Quốc. Thủ tướng đã giao cho Bộ NN&PTNT tham mưu trình Chính phủ một chương trình sâm Việt Nam từ đây đến năm 2030, định hướng đến 2045 thành một ngành công nghiệp sâm quốc gia", ông Bửu nói.
Ông Trần Út, Phó giám đốc Sở NN&PTNT Quảng Nam, cho hay địa phương có 20 doanh nghiệp và người dân có thu nhập nâng lên đáng kể, nhiều gia đình tài sản lên đến hàng chục tỷ đồng, nhà cửa khang trang từ khi trồng sâm.
Theo ông Út, tỉnh Quảng Nam đang có định hướng phát triển sâm Ngọc Linh, trong đó chú trọng công tác chế biến sâm, xây dựng sâm Ngọc Linh thành một ngành công nghiệp hiện đại để tạo nhiều sản phẩm có giá trị lớn.
Quảng Nam sẽ chú trọng công tác chế biến sâm, xây dựng sâm Ngọc Linh thành một ngành công nghiệp hiện đại để tạo nhiều sản phẩm có giá trị lớn. Ảnh: Thanh Đức. |
Ông Huỳnh Văn Liêm, Phó giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Kon Tum, cho hay địa phương đầu tư phát triển và chế biến dược liệu đến năm 2025 định hướng đến 2030 với mục tiêu diện tích đạt khoảng 4.500 ha (45 triệu cây) và khoảng 10.000 ha vào năm 2030 (100 triệu cây).
"Thời gian tới, tỉnh Kon Tum tiếp tục nghiên cứu các giải pháp phát triển cây sâm với mục tiêu khẳng định thương hiệu sản phẩm sâm Ngọc Linh Kon Tum tại thị trường trong nước và quốc tế. Sớm đưa sâm Ngọc Linh Kon Tum trở thành sản phẩm hàng hóa chủ lực Quốc gia, có vị thế hàng đầu trong nước và hướng tới khẳng định vị thế trên thị trường thế giới. Phấn đấu đến năm 2030 có khoảng 10.000 ha (tương đương 100 triệu cây) Sâm Ngọc Linh", ông Liêm cho hay.
Sẽ đạt sản lượng khai thác 300 tấn/năm từ 2030
Ông Vũ Thành Nam, Phó vụ trưởng Vụ Quản lý rừng đặc dụng - phòng hộ (Tổng cục Lâm nghiệp, Bộ NN&PTNT), nhận định hiện nay việc phát triển sâm còn chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh.
"Trong đó, việc thiếu quy hoạch vùng nguyên liệu, thiếu nguồn giống, cơ sở sơ chế biến sâu, công tác quảng bá, xúc tiến, xây dựng thương hiệu còn hạn chế là điều cản trở sự phát triển sâm Ngọc Linh", ông Nam nói.
Ông Nam cho hay tháng 3/2022, Thủ tướng giao Bộ NN&PTNT xây dựng chương trình phát triển sâm Việt Nam đến năm 2030 và định hướng 2045 với mục tiêu xây dựng và phát triển sâm Việt Nam thành ngành hàng có giá trị kinh tế cao, mang thương hiệu sản phẩm quốc gia gắn với sử dụng bền vững tài nguyên rừng, tăng thu nhập cho người dân.
Mục tiêu đến năm 2030 bảo tồn nguồn gen sâm Việt Nam có phân bố trong rừng tự nhiên với diện tích khoảng 100.000 ha tại các tỉnh Quảng Nam, Kon Tum, Gia Lai, Lâm Đồng, Nghệ An, Lai Châu.
Các địa phương trên cần hình thành vùng nguyên liệu tập trung, đưa diện tích trồng sâm năm 2030 đạt 22.000 ha, sản lượng khai thác đạt 300 tấn/năm (tương đương diện tích khai thác 1.000 ha/năm), có chất lượng, đảm bảo nguồn gốc xuất xứ, đạt tiêu chuẩn GMP - WHO hoặc tương đương.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhận định sâm Ngọc Linh có giá trị lớn, hoàn toàn có cơ sở để phát triển một ngành công nghiệp sâm và chế biến sâm Ngọc Linh thực thụ của Việt Nam với mục tiêu tỷ USD. Ảnh: Thanh Đức. |
Phát biểu chỉ đạo, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, cho biết khi còn là Thủ tướng, tham gia một hội thảo sâm Ngọc Linh, ông đã nói sâm Ngọc Linh là Quốc bảo và gắn liền với quốc kế dân sinh. Chủ tịch nước đánh giá 2 tỉnh Kon Tum và Quảng Nam đã làm được nhiều việc để giữ gìn, phát triển sâm Ngọc Linh.
"Không chỉ cơ chế, chính sách phát triển sâm Ngọc Linh cần tìm tòi những biện pháp tốt nhất, phù hợp nhất để phát triển cây quốc kế dân sinh này, đem lại hy vọng mới của Việt Nam trong ngành dược liệu, thực phẩm chức năng. Từ đó, cạnh tranh quyết liệt giữa những quốc gia tiên tiến như Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ, Trung Quốc các nước có một sản lượng sâm rất lớn và họ đã chế biến sản xuất ra hang trăm sản phẩm từ sâm", ông nói.
Chủ tịch nước khẳng định tiềm năng, giá trị cây sâm Ngọc Linh rất lớn, hoàn toàn có cơ sở để phát triển một ngành công nghiệp sâm và chế biến sâm Ngọc Linh thực thụ của Việt Nam với mục tiêu tỷ USD.