Hai bạn đọc Lê Thị Chanh và Phương Anh đã chia sẻ với Tuổi Trẻ Online những câu chuyện của mình.
Vải thiều bán trên đường phố Sài Gòn. |
Sợ các điểm bán ngoài đường
Là người nội trợ cho gia đình lâu năm, bản thân tôi ý thức rất cao việc gian lận về trọng lượng của tiểu thương, nhà sản xuất. Sau mỗi chuyến đi chợ, tôi thường đem rau củ, thịt cá… đã mua về cân lại.
Thậm chí, tôi sắm cho mình riêng một cân điện tử cầm tay để phục vụ cho việc kiểm chứng trọng lượng ngay tại điểm mua sắm. Sự tỉ mỉ này giúp tôi rất nhiều trong việc chọn lựa những sạp, quầy, doanh nghiệp bán hàng uy tín, chất lượng để tránh bị móc túi, cũng như chọn mua được sản phẩm an toàn cho gia đình.
Tuy nhiên, dù cảnh giác đến mấy, tôi vẫn bị "móc túi" một cách tinh vi.
Mới đây, khi đi làm về, tôi ghé điểm bán trái cây trên đường Hoàng Hoa Thám (phường 13, quận Tân Bình) để mua vải thiều cho gia đình. Những trái vải ửng đỏ, ngọt lịm lập tức cuốn hút tôi. Thêm vào đó, anh bán hàng đon đả đảm bảo “bao cân đủ”, nếu thiếu tặng thêm nửa kg, đã thuyết phục tôi mua hàng ngay tại đây.
Tôi bỏ ra 40.000 đồng mua 1,5 kg vải loại còn nguyên chùm, với giá 26.000 đồng/kg vì chất lượng tươi ngon hơn loại vải rời. Cũng như mọi lần, tôi không ngần ngại dùng cân điện tử cầm tay cân lại trọng lượng vải đã mua trước mặt người bán.
Anh chàng bán trái cây được dịp thẩm định tại chỗ, cười toe khi thông số trên cân điện tử hiện thị đúng 1,5 kg. “Đấy! Chị thấy không, chỗ em làm ăn uy tín, em đã 'bao cân đủ' rồi mà!”, anh này cho hay.
Trọng lượng đủ, tôi yên tâm ra về. Khi đem về nhà, tôi dỡ bỏ lạt buộc chùm vải ra thì phát hiện hàng loạt cọng (cuống) vải hoàn toàn không có trái. Những cuống vải khác cũng chỉ có từ 1-2 trái, thay vì mỗi chùm có 4-5 trái như hình ảnh tôi thường thấy tại nhà vườn.
Đành rằng, mua vải chùm phải có cuống là lẽ đương nhiên. Việc này tương tự như mua cua phải có cọng dây buộc. Nhưng việc dùng dây buộc là nilon, dây nhựa hay dây vải (nặng, thấm nước) lại là chuyện khác.
Bởi trong 1,5 kg vải tôi cân lại có đến 400 gram là cuống. Đặc biệt, có đến 200 gram số cuống hoàn toàn không có trái, được nhét vào trong chùm vải để tăng trọng lượng.
Thực tế, không ai quy định tỷ lệ trọng lượng cuống vải so với tổng trọng lượng là bao nhiêu thì hợp lý. Tuy nhiên, bằng những cách gian lận này, tôi đương nhiên bị "móc túi" gần 10.000 đồng chỉ để mua… cuống vải!
Vì sao tôi ngại đi chợ?
Sáng sớm ra chợ mua vài lạng tôm về nấu cháo cho con gái ăn. Tôi mua tôm khá to, loại 400.000 đồng/kg, đang loay hoay lấy tiền trả thì bà bán tôm bảo lấy thêm ba con nữa cho tròn một kg, chị bớt em 20.000 đồng coi như mở hàng, ăn lấy thảo.
Mình nghĩ bụng, thôi thì mua hẳn một kg để chiều hấp cũng được, lại còn được giảm giá, thế là vui vẻ trả ngay 380.000 đồng và chúc bà ấy hôm nay bán đắt.
Ai ngờ về đến nhà đếm đi đếm lại vẫn thấy sao thiếu thiếu, hóa ra bà ấy chẳng bỏ thêm ba con tôm vào túi cho mình. Tôm to nên thiếu một, hai con là biết ngay. Chỉ là lúc ấy tôi cả tin nên chả nhìn lại túi tôm của mình. Cuối cùng thành ra bị lừa mà cứ nghĩ mình được đối đãi thơm thảo.
Hôm khác vào chợ mua ít bánh hạt điều về ăn cùng trà đắng. Ngoài chợ bán cả xấp mười cái, thấy cái bánh trên mặt hạt điều to, phủ đều nhìn ngon mắt vô cùng.
Thế là mua hẳn hai xấp về ăn dần. Về nhà mở ra, đến cái thứ hai vẫn còn thấy hạt điều nhiều, nhưng từ cái thứ ba trở đi thì một bánh lèo tèo vài miếng hạt điều vụn, còn lại toàn kẹo đường. Bán hàng kiểu đầu voi đuôi kiến (chứ không được chuột) thế này thì khác gì lừa đảo?
Đến hôm mua thanh long ruột đỏ mới gọi là tức điên. Cả nhà bốn người đều thích thanh long ruột đỏ nên ra chợ thấy có bán là tấp vào mua ngay. Bảo cô bán hàng xẻ một quả cho mình xem thử, ruột đỏ hẳn hoi, quả lại to, chắc tay.
Lựa hẳn ba kg về để tủ lạnh ăn dần. Tối đó hí hửng bảo mẹ xẻ thanh long cho cả nhà ăn, xẻ tới quả nào thì… điên tiết quả ấy, vì toàn ruột trắng. Hôm sau ra bảo sao em lừa chị, thằng bé bán hàng nhanh mồm nhanh miệng bảo: Em nào biết chị ơi, em cũng bị lừa như chị (?).
Thôi chị thông cảm đi, em bán có đắt hơn thanh long ruột trắng mấy đâu. Lần sau chị mua hàng em giảm cho ít tiền. Trên hàng của nó vẫn ghi rành rành “Thanh long ruột đỏ chính hiệu”, để câu mấy... con cá như mình.
Ông xã đi chợ còn lắm chuyện bi hài hơn. Đàn ông ngơ ngơ ngác ngác ra chợ, giữa trưa nắng nóng nên cứ vội mua cho xong.
Con bé bán rau bảo con bán 3.000 đồng một lạng rau thôi, chú lấy hẳn 3 lạng con tính 10.000 đồng cho chẵn, đỡ phải thối lại tiền cho cách rách. Trên đường về nhẩm lại, ô, hóa ra mình bị trả thêm tiền mà không để ý.
Ông xã đi chợ mua thịt heo, thịt bò toàn bị cân thiếu 50 gram.
Đi đâu cho xa để bị lừa, bước từ nhà ra chợ đã đủ kiểu người Việt gạt nhau rồi. Trách ai được, trách mình chả đủ khôn ngoan để cứ bị hết bà này đến bà khác lừa thôi.
Hỏi sao người ta chả kéo nhau vào siêu thị mua hàng, có đắt tí nhưng có giá niêm yết rõ ràng, ít sợ bị lừa, bị luộc.
Một gói kẹo đậu phụng chỉ có miếng bên trên (góc phải) là tuyệt hảo, còn lại thì khấp khểnh, lổn nhổn - Ảnh: M.C |
Cả xã hội đề phòng, nghi ngờ nhau!
Hiện nay có quá nhiều những thủ đoạn móc túi dựa vào trọng lượng, khối lượng mà các nhà sản xuất làm ra.
Những gian lận này đòi hỏi các cơ quan chức năng phải vào cuộc bởi sự tinh vi của nó. Như những mánh lới gian lận khi đổ xăng dầu, đến thực phẩm đóng gói sẵn…
Đặc biệt, trong những sản phẩm thực phẩm đông lạnh, khi cân trọng lượng luôn đủ. Nhưng khi rã đông đem cân lại, việc thiếu 100-200 gram là điều khó tránh khỏi. Bởi nhà sản xuất đã cộng thêm trọng lượng nước trong tổng trọng lượng.
Với mỗi người tiêu dùng, việc bị móc túi vài gram, thậm chí vài trăm gram là vấn đề không lớn, nhưng nhà sản xuất đã hưởng lợi không nhỏ với chiêu mánh gian lận này.
Điều đặc biệt, việc gian lận tràn lan này lâu dần hình thành nên tâm lý luôn phải đề phòng, nghi ngờ lẫn nhau trong xã hội. Tâm lý này tồn tại dai dẳng thì thật đáng buồn, là rào cản cho phát triển kinh tế, văn hóa nước nhà. (Bạn đọc Lê Thị Chanh)