Ngoài ra, tham gia vào câu chuyện “rắc rối mũ bảo hiểm” còn có Ủy ban ATGT Quốc gia với việc ban hành Kế hoạch số 69/2014 lưu ý: “Từ 1/7/2014 xử lý người đi xe máy vi phạm việc đội MBH bao gồm phạt tiền và yêu cầu giao nộp để tiêu hủy những chiếc mũ không phải mũ bảo hiểm".
Theo Luật Giao thông đường bộ năm 2008 thì “người điều khiển, người ngồi trên xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh, xe máy phải đội mũ bảo hiểm có cài quai đúng quy cách”. Sau đó Nghị định 34/2010 và 71/2012 của Chính phủ đưa ra quy định xử phạt “người điều khiển, người ngồi trên xe không đội mũ bảo hiểm hoặc đội mũ bảo hiểm không cài quai đúng quy cách”.
Nay Nghị định 171/2013 diễn giải thêm với quy định phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng đối với người điều khiển, người ngồi trên xe không đội “mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy” hoặc đội “mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy” không cài quai đúng quy cách.
Đáng lưu ý, trước khi có Nghị định 171 thì bốn bộ nêu trên đã họp bàn và thống nhất ký kết Thông tư 06 để siết chặt việc sử dụng mũ bảo hiểm. Với mục đích loại bỏ những trường hợp đối phó, tiếng là đội mũ bảo hiểm nhưng như là không đội (do đội mũ dỏm, mũ “nhái” chất lượng kém hoặc mũ bảo hộ lao động, nón cối…), Thông tư 06 chỉ rõ thế nào là mũ bảo hiểm “xịn”.
Mũ phải đủ ba bộ phận là vỏ mũ, lớp hấp thụ xung động, quai mũ, đồng thời phải có tem hợp quy CR và nhãn “mũ bảo hiểm dành cho người đi mô tô, xe máy”. Nói ngắn gọn, mũ bảo hiểm dành cho người đi xe máy là mũ đạt các tiêu chuẩn kỹ thuật để bảo vệ được cái đầu của họ.
Tưởng rõ ràng hơn, ai ngờ từ các yêu cầu này và những nội dung đã nêu của Nghị định 171, Kế hoạch 69 mà đang có nhiều cách hiểu khác nhau về cái gọi là vi phạm không đội “mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy”:
1. Đội mũ có hình dáng mũ bảo hiểm nhưng chất lượng kém.
2. Đội mũ bảo hộ lao động, mũ hơi, mũ dành cho người đi xe đạp, mũ cối quân đội...
3. Không đội gì (hoặc chỉ đội nón vải, nón lá…).
Cả ba đều đúng hay chỉ có 2, 3? Chỉ biết là hiện mỗi nơi làm mỗi kiểu khiến mọi người rất hoang mang, lo lắng về thông tin “phạt mũ bảo hiểm dỏm”. Nếu Đà Nẵng, TP.HCM, Hà Nội… chỉ nhắc nhở chứ chưa xử phạt người đội mũ bảo hiểm dỏm vì “không thể lật mũ của dân ra kiểm tra từng chi tiết để phân tích xem có phải là mũ thật hay không”.
Chiều 2/7, tại Bình Thuận, một người dân đội mũ bảo hiểm dỏm đã bị CSGT huyện Hàm Thuận Bắc lập biên bản vi phạm với mức phạt đưa ra là 150.000 đồng (Pháp Luật TP.HCM ngày 5/7). Ai nấy đều thấy huyện này làm không giống các địa phương khác. Song nếu hỏi huyện này có làm sai hay không, nhất là khi đối chiếu với các văn bản kể trên, câu trả lời chưa hẳn đã đồng nhất.
Tại buổi họp báo Chính phủ tối 1/7, thông qua trả lời của Bộ trưởng-Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng có gửi gắm quan điểm “lúc này chỉ xử phạt hai hành vi là không đội mũ bảo hiểm và đội mũ bảo hiểm không cài quai đúng quy cách, còn việc xử lý mũ giả, kém chất lượng là vấn đề khác”.
Trao đổi với báo chí, một vụ phó Vụ Pháp chế Bộ Công an cho biết: “Đã kiểm tra các quy định của pháp luật và của ngành thì không thấy văn bản nào phạt người đội mũ bảo hiểm không đạt chuẩn”, “đó chỉ là sự hiểu nhầm của dư luận”…
Cả ba vị nói rất hợp lòng dân nhưng có đúng với các quy định đã nêu, trong đó có Thông tư 06 mà chính hai bộ Công an và GTVT đã tham gia ký kết để từ đó Nghị định 171 minh định “mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy” chứ không còn nói chung chung là mũ bảo hiểm? Lý giải thế nào khi lúc ban hành quy định thì hai bộ này muốn phạt, đến lúc triển khai và bị dư luận phản ứng thì lại bảo không?
Mục đích quản lý là đúng nhưng chỉ có mỗi chiếc mũ bảo hiểm mà lại quá rối rắm về chính sách lẫn việc thực thi. Giờ phải tính sao để các văn bản không còn mập mờ gây khó cho cả người thi hành lẫn người không thi hành?