Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Phát huy vị thế Việt Nam khi tham gia Hội đồng Nhân quyền

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hà Kim Ngọc khẳng định Việt Nam đã dần khẳng định hình ảnh, vai trò của mình tại diễn đàn nhân quyền hàng đầu của Liên Hợp Quốc.

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hà Kim Ngọc dẫn đầu đoàn Việt Nam tham dự Hội nghị Cấp cao Khóa 31 Hội đồng Nhân quyền (HĐNQ) Liên Hợp Quốc diễn ra tại Geneva, Thụy Sĩ, từ ngày 29/2 đến 3/3. 

Đánh giá về hai năm Việt Nam đảm đương vai trò thành viên HĐNQ của Liên Hợp Quốc, Thứ trưởng nhận định Việt Nam đã dần khẳng định hình ảnh, vai trò của mình tại diễn đàn nhân quyền hàng đầu của Liên Hợp Quốc, từng bước thể hiện vị thế đi lên với sự ghi nhận của cộng đồng quốc tế. Lần đầu tham gia HĐNQ, nhưng Việt Nam đã chứng tỏ là một thành viên tích cực, chủ động và có trách nhiệm, cùng các nước xử lý thách thức chung của nhân loại trong lĩnh vực quyền con người.

Theo ông Hà Kim Ngọc, chúng ta đã tham gia phát biểu và thảo luận nhiều chủ đề khác nhau như quyền kinh tế, văn hóa, phát triển, giáo dục, y tế, tự do ngôn luận và báo chí. Việt Nam đã đóng góp vào quá trình xây dựng nghị quyết, quyết định của HĐNQ theo hướng ủng hộ cách tiếp cận cân bằng, toàn diện, đáp ứng quan tâm, lợi ích của nhiều bên, hướng tới đồng thuận. Trên cơ sở lập trường, lợi ích của Việt Nam, chúng ta luôn phản ứng kịp thời trước các sự kiện nóng về nhân quyền trên toàn cầu, tham gia những phiên họp khẩn cấp hay cuộc thảo luận về tình hình khủng hoảng.

Bên cạnh đó, hàng năm Việt Nam đều tham dự Hội nghị cấp cao thường niên của HĐNQ, khẳng định thông điệp bảo vệ và thúc đẩy quyền con người ở Việt Nam cũng như đóng góp trong việc xử lý vấn đề nhân quyền trên toàn cầu.

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hà Kim Ngọc. Ảnh: TTXVN


Tại hội nghị lần này, Đoàn Việt Nam tham gia phát biểu tại các phiên thảo luận chung và chuyên đề như mục tiêu phát triển bền vững, tác động của biến đổi khí hậu, thực hiện cam kết quốc tế về nhân quyền. Chúng ta còn cùng Australia tổ chức thảo luận bên lề về xây dựng môi trường làm việc cho người khuyết tật, chủ trì phiên thảo luận về tác động của biến đổi khí hậu với quyền sức khỏe của người dân. Hình ảnh Việt Nam còn được thể hiện qua việc thực hiện cơ chế Rà soát định kỳ phổ quát (UPR) của HĐNQ. Liên Hợp Quốc đánh giá cao Việt Nam ở quá trình rà soát, báo cáo, đối thoại với các nước về tình hình nhân quyền Việt Nam, thực hiện cam kết một cách nghiêm túc. 

Việt Nam đang đảm nhiệm vai trò điều phối viên của ASEAN tại HĐNQ. Từ năm 2016, Việt Nam trở thành đại diện của khu vực trong Nhóm làm việc về tình hình, nơi xem xét các kháng thư về nhân quyền do Nhóm làm việc cấp dưới đệ trình. Chúng ta cũng sẽ đón Báo cáo viên đặc biệt về quyền lương thực đến thăm Việt Nam.

Theo ông Hà Kim Ngọc, tình hình thế giới thời gian qua có nhiều diễn biến phức tạp, tác động sâu sắc đến việc bảo đảm và thúc đẩy quyền con người. HĐNQ là nơi diễn ra các cuộc thảo luận căng thẳng về hàng loạt vấn đề như các cuộc xung đột, chủ nghĩa cực đoan, khủng hoảng di cư, dịch Ebola...

Việt Nam tham gia HĐNQ với quan điểm đề cao đối thoại và hợp tác, cùng phấn đấu vì mục tiêu thúc đẩy và bảo đảm quyền con người trên cơ sở trao đổi, tôn trọng lẫn nhau. Hai năm qua, chúng ta đã vận dụng nhuần nhuyễn các cơ chế khác nhau của HĐNQ để khẳng định quan điểm này.

Đoàn Việt Nam thường xuyên kêu gọi tinh thần đối thoại và hợp tác giữa các nước thành viên trong quá trình xử lý công việc tại HĐNQ. Trong bối cảnh đòi hỏi đối thoại, hợp tác chặt chẽ giữa các quốc gia, chúng ta luôn kiên trì thúc đẩy sự xích lại gần nhau giữa các nước thành viên.

Đối thoại và hợp tác cũng mở ra cơ hội để Việt Nam xuất hiện và đóng góp nhiều nội dung quan tâm của khu vực và các nước đang phát triển, như bảo đảm quyền phát triển, chống bạo lực và phân biệt đối xử, chống buôn bán người, bảo đảm quyền phụ nữ, trẻ em, người khuyết tật...

Đoàn Việt Nam tại Hội nghị cấp cao khóa 31 Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc

 . Ảnh:

Vietnamplus

Thứ trưởng Hà Kim Ngọc nhận định, cùng sự tích cực tại các diễn đàn khu vực và quốc tế khác, việc tham gia HĐNQ đã từng bước khẳng định sự trưởng thành của đối ngoại đa phương của Việt Nam; thể hiện hình ảnh, vị thế mới của Việt Nam trên trường quốc tế.

Từ khi là thành viên của HĐNQ, Việt Nam hường xuyên được tham vấn trước những vấn đề mang tính thời sự. Ý kiến của Việt Nam được lắng nghe, ghi nhận và tham chiếu trong quá trình quyết định bỏ phiếu.

Sự tham gia trách nhiệm, nghiêm túc trên tinh thần đề cao đối thoại và hợp tác đã củng cố hình ảnh Việt Nam là bạn và đối tác tin cậy của các nước. Hai năm qua, chúng ta tạo dựng quan hệ hợp tác hữu nghị, trao đổi chặt chẽ với 46 thành viên HĐNQ và nhiều nước quan sát viên ở 5 khu vực. Trong nhiều vấn đề, Việt Nam được xem là một trong những "cầu nối", là "tác nhân xúc tác" nhằm thu hẹp bất đồng và nỗ lực tìm kiếm giải pháp cân bằng.

Là thành viên HĐNQ cũng tạo điều kiện để Việt Nam phát huy vị thế tại các diễn đàn quốc tế từ cấp độ khu vực như ASEAN cho đến Ủy ban 3, Đại hội đồng LHQ. Từ "tham dự", Việt Nam đã thực sự "tham gia", đóng góp cho quá trình thảo luận và xây dựng văn kiện.

Ngày càng có nhiều nước thừa nhận và đánh giá cao nỗ lực, thành tựu và bài học kinh nghiệm của Việt Nam về quyền con người nói chung và vai trò của Việt Nam tại HĐNQ nói riêng. Điều này được thể hiện trong các tuyên bố chung, thông cáo báo chí nhân các chuyến thăm cấp cao của lãnh đạo Việt Nam và lãnh đạo các nước, điển hình nhất là Tuyên bố về Tầm nhìn chung giữa Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Mỹ Barack Obama.

Thứ trưởng khẳng định dù còn nhiều khó khăn, thử thách ở phía trước, việc tham gia HĐNQ là một quyết định đúng đắn của Việt Nam. Qua đó, chúng ta có thể bảo vệ lợi ích đất nước tốt hơn, thúc đẩy hình ảnh và vị thế đất nước.

Việt Nam ủng hộ hợp tác quốc tế trong vấn đề nhân quyền

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hà Kim Ngọc khẳng định Việt Nam tin tưởng vai trò của Hội đồng nhân quyền, đề cao tinh thần hợp tác và đối thoại giữa các nước trong cộng đồng quốc tế.

Hoàng Anh

Bạn có thể quan tâm