Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Phát hiện xương người bị tra tấn kỳ quái

Các chuyên gia Đan Mạch cho biết, thi thể của những chiến binh thua trận thời kỳ cổ đại bị đâm xuyên qua những chiếc cọc theo một nghi thức kỳ quái.

Bốn chiếc xương chậu của những người đàn ông bị đâm xuyên qua một cây gậy. Ảnh: Aarthus University

Hai năm trước, các nhà khảo cổ học đã phát hiện tàn tích của hơn 200 xác chết trong một đầm lầy gần làng Alken, thuộc bán đảo Jutland.

“Chúng tôi đã tìm thấy một cây gậy mà trên đó gắn 4 chiếc xương chậu của 4 người đàn ông. Chúng tôi khai quật và phát hiện nhiều mảnh xương xuất hiện những vết cắt và cạo, hộp sọ bị nghiền nát. Nhiều hình thức tra tấn kỳ quái khác minh chứng cho các nghi thức bạo lực đối với thi thể những người lính thua trận 6 tháng sau khi họ nằm lại chiến trường”, Mads Kahler Holst, giáo sư tại Đại học Aarhus, nói.

Đây là những nghi thức diễn ra cách đây hơn 2000 năm trước trong một cuộc xung đột lớn giữa những bộ tộc người Đức dưới thời Đế chế La Mã ở gần thị trấn Skanderborg, Đan Mạch.

Các nghiên cứu mới đây cho thấy, ai đó đã tập hợp phần còn lại từ thi thể các chiến binh xấu số. Ở đây, những mảnh xương người lẫn với xương động vật. Đất sét dưới đáy hồ chính là môi trường thuận lợi để bảo quản chúng còn nguyên vẹn.

"Chúng tôi khẳng định đây là hành động bạo lực của một tôn giáo nào đó. Khu rừng linh thiêng này là địa điểm lý tưởng cho một tà giáo trú ngụ. Họ ăn mừng chiến thắng của một trận đánh lớn bằng việc tổ chức các nghi thức kỳ quái và phá hủy xương của những kẻ bại trận", giáo sư Holst nhận định.

Các nhà khảo cổ đang khai quật những mảnh xương dưới lòng hồ. Ảnh: Aarhus University.

Tiến sĩ Ejvind Hertz, người phụ trách bảo tàng Skanderborg, cho biết: "Hầu hết các mảnh xương chúng tôi tìm thấy nằm rải rác dưới lòng hồ một cách ngẫu nhiên. Những phát hiện mới đã cho chúng ta thấy chính xác sự thực tàn khốc diễn ra trong lịch sử. Trận đấu diễn ra khi đế chế La Mã mở rộng lãnh thổ lên phía bắc và gây xung đột với các bộ tộc người Đức".

Theo các tài liệu cổ của người La Mã, các bộ tộc người Đức thường có nhiều nghi lễ rùng rợn đối với kẻ thù bại trận. Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên các nhà khoa học tìm thấy dấu tích chứng minh những ghi chép đó là thật.

Mộ 13.000 năm hé lộ cuộc chiến đầu tiên của nhân loại

Các nhà khoa học tin rằng, ngôi mộ tập thể nằm ở bờ đông sông Nile, đoạn chảy qua miền bắc Sudan, là chứng tích của những cuộc xung đột vũ trang đầu tiên trên thế giới.

Nguyễn Thái

Bạn có thể quan tâm