Những hình ảnh mới do Tàu quỹ đạo do thám Mặt Trăng (Lunar Reconnaissance Orbiter) của NASA chia sẻ đã tiết lộ vị trí của 2 hố bất thường. Con tàu đã quay quanh Mặt Trăng từ năm 2009.
Vụ va chạm đã tạo ra hai hố xếp gối lên nhau, với một hố rộng 18 m và hố còn lại rộng 16 m. Cùng với nhau, chúng tạo ra một chỗ lõm rộng khoảng 28 m, CNN đưa tin ngày 27/6.
Dù các nhà thiên văn đã dự liệu trước về vụ va chạm sau khi phát hiện phần tên lửa đang trên đà lao tới Mặt Trăng, nhưng hố đôi mà nó tạo ra là một điều bất ngờ.
Thông thường, tên lửa đã qua sử dụng có khối lượng lớn nhất ở đầu động cơ vì phần còn lại của tên lửa phần lớn chỉ là một thùng nhiên liệu rỗng. Tuy nhiên, hố đôi gợi ý rằng vật thể này có khối lượng lớn ở cả hai phần khi nó va vào Mặt Trăng.
Nguồn gốc chính xác của thân tên lửa, một mảnh rác vũ trụ đã trôi dạt trong nhiều năm, vẫn chưa rõ ràng.
Hai hố lớn mới hình thành trên Mặt Trăng sau một vụ va chạm rác vũ trụ hồi tháng 3. Ảnh: NASA. |
Mặt Trăng thiếu bầu khí quyển bảo vệ, vì vậy nó có nhiều hố được tạo ra khi các vật thể như tiểu hành tinh thường xuyên đâm vào bề mặt.
Đây là lần đầu tiên một mảnh rác vũ trụ vô tình va vào bề mặt Mặt Trăng mà các chuyên gia biết đến.
Có ít nhất 26.000 mảnh rác không gian quay quanh Trái Đất có kích thước bằng một quả bóng hoặc lớn hơn và có thể phá hủy một vệ tinh khi va chạm. Hơn 500.000 vật thể có kích thước bằng một viên bi, đủ lớn để gây ra thiệt hại cho tàu vũ trụ hoặc vệ tinh. Hơn 100 triệu mảnh có kích thước bằng hạt muối, đủ để có thể có thể làm thủng một bộ đồ vũ trụ, theo một báo cáo của NASA được công bố vào năm ngoái.