Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Phát hiện trái tim đen khổng lồ của thiên hà lùn

Một hố đen siêu lớn, với khối lượng gấp 21 triệu lần mặt trời, nằm giữa trung tâm của một thiên hà nhỏ hơn hàng trăm lần so với dải Ngân Hà.

Ảnh
Ảnh minh họa hố đen ở giữa thiên hà M60-UCD1. Ảnh: NASA

Nhờ kính thiên văn Gemini North trên quần đảo Hawaii, Mỹ, các nhà thiên văn phát hiện hố đen siêu lớn ở trung tâm của M60-UCD1, một thiên hà lùn cách trái đất khoảng 54 triệu năm ánh sáng và xoay quanh một thiên hà khổng lồ mang tên M60. Một hố đen siêu lớn nằm ở giữa trung tâm của nó. Khối lượng hố đen tương đương khối lượng của khoảng 15% ngôi sao trong M60-UCD1 và bằng 21 triệu lần so với khối lượng mặt trời, Daily Mail đưa tin.

Để có thể hình dung quy mô khủng khiếp của hố đen trong M60-UCD1, chúng ta chỉ cần biết rằng dải Ngân Hà lớn gấp M60-UCD1 tới 500 lần và nặng gấp 1.000 lần, nhưng hố đen giữa Ngân Hà chỉ gấp 4 triệu lần mặt trời về khối lượng.

Phát hiện này cho thấy rất có thể siêu hố đen là dạng vật thể khá phổ biến, chứ không hiếm như giới thiên văn vẫn tưởng. Và những thiên hà siêu nhỏ cũng có thể chứa hố đen khủng.

 
Các nhà nghiên cứu dự đoán M60-UCD1 là tàn dư của một thiên hà lớn hơn và xoay quanh thiên hà đồ sộ M60. Do khoảng cách giữa hai thiên hà quá gần, M60 xé toạc phần bên ngoài của thiên hà kia và chỉ để lại M60-UCD1. Kịch bản tương tự cũng có thể xảy ra với những thiên hà lùn khác.

"Ngoài giả thuyết đó, chúng tôi không thể nghĩ ra bất kỳ cách nào để tạo hóa có thể tạo ra một hố đen siêu lớn trong một thiên hà nhỏ như vậy. Rất nhiều thiên hà siêu nhỏ đang tồn tại trong vũ trụ và chúng có thể chứa những hố đen siêu lớn ở trung tâm, giống như những thiên hà thường", tiến sĩ Anil Seth, một nhà thiên văn của Đại học Utah tại Mỹ, bình luận.

Kim Ngân

Bạn có thể quan tâm