"Chúng tôi nhận thấy những tín hiệu rất kỳ lạ trong phổ tần động 10 phút thu được từ sao lùn có tên Ross 128", AFP ngày 18/7 dẫn lời ông Abel Mendez, giám đốc Cơ quan nghiên cứu sự sống hành tinh Đại học Puerto Rico, nói.
Theo AFP, tín hiệu vô tuyến trên thu được hôm 13/5. Các kính viễn vọng vô tuyến tại nhiều cơ sở khác trên thế giới cũng thu được tín hiệu tương tự. Đại học Puerto Rico loại bỏ khả năng tín hiệu lạ này có nguyên nhân do nhiễu sóng vô tuyến từ Trái Đất.
"Nó có các đặc trưng tín hiệu từ khu vực sao lùn Ross 128", ông Mendez khẳng định.
Sóng vô tuyến lạ thu được từ khu vực sao lùn Ross 128. Ảnh: National Geographic. |
Các nhà khoa học lý giải có 3 khả năng dẫn tới tín hiệu radio nói trên.
Thứ nhất, tín hiệu vô tuyến là hệ quả do bão mặt trời trên ngôi sao Ross 128. Thứ 2, tín hiệu vô tuyến phát ra từ một vật thể chưa xác định trong phạm vi quan sát xung quanh Ross 128. Và thứ 3, một vụ nổ vệ tinh đã tạo ra tín hiệu trên. Tuy nhiên, chưa có thông tin về bất cứ vụ nổ vệ tinh nào được xác nhận trong thời gian qua.
Ross 128 là ngôi sao lùn thuộc chòm sao Xử nữ. Ngôi sao được phát hiện năm 1926 này cách Trái Đất 10,89 năm ánh sáng (khoảng 103.000 tỷ km).
Đại học Puerto Rico sẽ phối hợp với Cơ quan tìm kiếm sự sống ngoài hành tinh (SETI) để giám sát ngôi sao Ross 128 vào ngày 23/7 tới. Họ sẽ sử dụng nhóm kính thiên văn Allen và kính thiên văn Green Bank tại Mỹ để quan sát ngôi sao. Kết quả quan sát sẽ được công bố vào cuối tuần này.
"Nó có thể là dấu hiệu của sự sống ngoài Trái Đất. Tuy nhiên, vẫn có nhiều cách lý giải khác khả dĩ hơn", ông Mendez cho biết.