Công việc thường ngày của Jessica Buckman và Jin Buck là giám sát và bảo tồn loài rùa xanh và rùa cạn trên 2 đảo Lady Ellitot và Lady Musgrave, theo Guardian. Họ đồng thời là nhà nghiên cứu làm việc trong lĩnh vực quản lý hệ sinh thái tại đảo Lady Elliot, thuộc rạn san hô Great Barrier, phía đông bắc Australia.
Jessica kể rằng cô đã quen với việc tìm thấy những con non đi lạc nhưng sinh vật nhỏ, màu hồng mà cô tìm thấy hôm 8/3 rất khác biệt - một con non bạch tạng mới nở đang gặp một chút khó khăn tìm đường ra khỏi tổ.
“Tôi đào một chút cát ra và thấy nó đang ở giữa cái hố. Tôi đã rất bất ngờ, thật đặc biệt khi được chứng kiến cảnh này”, Jessica nói.
Con rùa non bạch tạng đang cố tìm đường ra biển. Ảnh: BBC. |
Đồng nghiệp của cô, Jim Buck, người đã làm công việc theo dõi rùa trên rạn san hô hơn 30 năm, ước tính rằng cứ 100.000 quả trứng được đẻ ra thì có một con bị bạch tạng.
Trong suốt thời gian làm công việc này, anh chỉ mới nhìn thấy một vài con như vậy và cũng giống Jessica, anh đã vô cùng ngạc nhiên khi tìm thấy một con rùa non bạch tạng.
Anh kể khi họ đến nơi, chiếc tổ chỉ còn lại hai con, một trong số đó đã chết và vẫn mắc kẹt trong vỏ trứng của mình.
Jim nói: “Rất khó để biết liệu có còn những con khác hay không vì chúng tôi không có mặt ở đó vào thời điểm chúng nở ra”.
Đảo Lady Elliot, nơi Jessica Buckman và Jin Buck làm công việc bảo tồn loài rùa. Ảnh: Lonely Planet. |
Bạch tạng là một dạng rối loạn di truyền, đặc trưng bởi sự mất đi toàn bộ hoặc một phần sắc tố da, dẫn đến tình trạng da có màu trắng hoặc hồng.
Trong thế giới động vật, điều đó đồng nghĩa với tuổi thọ rất ngắn vì các cá thể bạch tạng không có khả năng tự ngụy trang để lẩn trốn kẻ thù.
Trong những năm nghiên cứu về rùa của mình, Jim chia sẻ rằng anh chưa từng nhìn thấy một con rùa bạch tạng trưởng thành hoặc thậm chí nghe báo cáo về chúng.
Về tình trạng của con non mà họ phát hiện, Jessica cho biết thêm con vật đã có thể bò ra khỏi tổ và tiến đến mép nước cách đó khoảng 10 đến 15 m, dưới sự giúp đỡ của đôi chuyên viên.
Cô nói: “Chúng phải tự tìm đường xuống nước để hoà nhập vào một phần của thế giới và đó là cách chúng tìm ra vị trí của mình trên bản đồ sự sống”.
Tuy nhiên, cô không hy vọng mình sẽ gặp lại con vật. “Nhìn chung, tỷ lệ sống sót trung bình đối với rùa xanh đạt đến tuổi trưởng thành là 1/1.000, và những cá thể bạch tạng thậm chí có ít cơ hội hơn như vậy rất nhiều”, cô nói.