Sáng kiến Minh bạch Hàng hải Châu Á (AMTI) của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) đã theo dõi lịch sử hệ thống nhận dạng tự động của các tàu Trung Quốc và xác định hành tung của 14 tàu trong các bức ảnh cũng như video do lực lượng tuần duyên Philippines quay tại đá Ba Đầu.
Đá Ba Đầu là rạn san hô có hình dạng chữ V, thuộc cụm Sinh Tồn của quần đảo Trường Sa, thuộc chủ quyền Việt Nam.
Căng thẳng trên Biển Đông đã gia tăng trong những tháng gần đây kể từ khi hơn 200 tàu Trung Quốc được phát hiện tại đá Ba Đầu vào ngày 7/3.
Hình ảnh vệ tinh do Maxar Technologies chụp vào ngày 23/3 cho các tàu Trung Quốc đang neo đậu tại Đá Ba Đầu. Ảnh: AFP. |
Theo AMTI, 14 tàu đều đến từ tỉnh Quảng Đông, miền Nam Trung Quốc, lần đầu tiên được phát hiện tại cụm Sinh Tồn thuộc khu vực đá Ba Đầu vào đầu năm 2019. Trong số đó, 9 tàu đã được thấy trong Hệ thống Nhận dạng Tự động (AIS) nhiều lần ở đá Ba Đầu.
“Cũng như những đợt triển khai lực lượng dân quân trước, hành vi của các tàu này không thể giải thích bằng lý do thương mại. Hầu hết (các tàu) đã lưu lại khu vực này trong nhiều tuần, hoặc thậm chí vài tháng, thả neo thành từng cụm mà không tham gia vào bất kỳ hoạt động đánh bắt nào”, theo báo cáo của ATMI ngày 21/4.
Tổ chức này cũng nhấn mạnh: “Bầu trời xanh đã phủ nhận lý do ban đầu từ đại sứ quán Trung Quốc ở Manila rằng các tàu cá buộc phải neo đậu để tránh bão".
Trong báo cáo, AMTI cũng xác định 5 trong số 6 tàu Trung Quốc đang thành cụm tại đá Ba Đầu là thành viên của hạm đội Yuemaobinyu.
Năm 2019, hạm đội Yuemaobinyu từng thu hút sự chú ý của quốc tế khi một trong những chiếc thuyền của họ, Yuemaobinyu 42212, đâm và đánh chìm một chiếc thuyền của Philippines tại bãi Cỏ Rong ở Biển Đông.
Bãi Cỏ Rong thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam nhưng đang bị Philippines kiểm soát.