Nghiên cứu do các nhà khoa học Đan Mạch tiến hành cho thấy biến chủng phụ của Omicron là BA.2 đã thay thế chủng Omicron ban đầu để trở thành virus thống trị ở Đan Mạch, theo AFP.
Người nhiễm biến chủng BA.2 có 39% nguy cơ lây lan virus cho người khác sống cùng hộ gia đình, tỷ lệ này ở người nhiễm chủng virus Omicron ban đầu chỉ là 29%, Cơ quan Y tế Đan Mạch cho biết.
Nghiên cứu do Cơ quan Y tế Đan Mạch phối hợp cùng các trường đại học tiến hành trên 18.000 bệnh nhân mắc Covid-19 trong giai đoạn 20/12/2021-18/1.
Virus SARS-CoV-2. Ảnh: AFP. |
Tiến sĩ Camilla Holten Moller, chuyên gia của Cơ quan Y tế Đan Mạch, cho hay biến chủng phụ BA.2 có khả năng lây nhiễm cho người chưa tiêm vaccine mạnh hơn so với chủng Omicron gốc.
Các nhà khoa học vẫn đang giám sát tốc độ lây lan cũng như tình trạng bệnh mà chủng Omicron mới BA.2 gây ra. Tuy vậy, các dữ liệu thu thập từ nhiều quốc gia cho thấy BA.2 có khả năng lây lan nhanh hơn.
BA.2 là chủng phụ của biến chủng Omicron. Các nhà virus học gọi biến chủng Omicron ban đầu là BA.1.
“BA.2 là chủng về sau, khác với BA.1 ở số lượng đột biến, bao gồm cả số lượng đột biến trong gai protein", Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) viết trên trang web. "Các cuộc điều tra về những đặc điểm của BA.2, bao gồm cả đặc tính né tránh miễn dịch và độc lực, nên được ưu tiên tìm hiểu một cách độc lập với BA.1", theo Washington Post.
Sự xuất hiện của BA.2 - chủng phụ của biến chủng Omicron - khiến WHO phải xem xét liệu nó có đặt ra thách thức mới cho các quốc gia trong tiến trình thoát khỏi đại dịch hay không.
Bất chấp số ca mắc Covid-19 tiếp tục tăng nhanh, Đan Mạch trở thành quốc gia EU đầu tiên dỡ bỏ tất cả biện pháp hạn chế phòng Covid-19 kể từ 1/2.
Nhà chức trách Đan Mạch cho biết quyết định được đưa ra do nước này có độ bao phủ vaccine cao, cũng như bằng chứng cho thấy biến chủng Omicron gây ra tình trạng bệnh nhẹ hơn cho người mắc.