Theo Mạng lưới Giám sát Bộ gene Nam Phi, biến chủng được gọi là C.1.2 chỉ chiếm 1,5% tổng số mẫu virus được xác định trình tự tại nước này vào tháng 8 so với 2,2% vào tháng 7, Bloomberg đưa tin ngày 7/9.
Biến chủng này, lần đầu tiên được xác định ở Nam Phi, đã xuất hiện ở một số quốc gia bao gồm Cộng hòa Dân chủ Congo, Mauritius, Bồ Đào Nha, New Zealand và Thụy Sĩ.
Sự lây lan chậm lại của biến chủng có thể cho thấy nó không có khả năng trở nên chiếm ưu thế theo cách mà các đột biến trước đó như biến chủng Beta và Delta đã lây lan.
Nhân viên y tế tiêm vaccine Johnson & Johnson cho cư dân ở Cape Town. Ảnh: Bloomberg. |
Biến chủng C.1.2 nhận được sự chú ý của giới khoa học vì nó có các đột biến gene giống với một số biến chủng nguy hiểm khác, như Delta.
Biến chủng C.1.2 lần đầu được phát hiện hồi tháng 5. Tuy vậy, đây không phải biến chủng chiếm ưu thế ở Nam Phi cũng như thế giới. "Ngôi vị" này vẫn thuộc về biến chủng Delta.
Một nghiên cứu mới được công bố cho thấy biến chủng C.1.2 đã được phát hiện tại đa số tỉnh của Nam Phi, cũng như 7 quốc gia khác tại châu Phi, châu Âu, châu Á và châu Đại Dương.
Cho đến nay, C.1.2 chưa được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đưa vào danh sách biến chủng đáng quan ngại, hoặc biến chủng cần quan tâm, do chưa đạt các tiêu chí của tổ chức này.
Viện Bệnh truyền nhiễm Quốc gia Nam Phi đang tiếp tục theo dõi tần suất xuất hiện biến chủng C.1.2, cũng như cách nó tác động đến cơ thể con người. Một số thí nghiệm đang được tiến hành nhằm đánh giá tác động của các đột biến lên khả năng lây nhiễm và kháng vaccine của biến chủng.
Tiến sĩ Megan Steain, nhà virus học kiêm giảng viên bệnh truyền nhiễm tại Trường Y khoa thuộc Đại học Sydney, cho biết cảnh báo đối với biến chủng C.1.2 được ban bố do các dạng đột biến bên trong chủng virus này.
“Chủng virus C.1.2 chứa một số đột biến từng được phát hiện trong các biến chủng đáng quan ngại”, bà nói. “Mỗi khi chúng tôi phát hiện những đột biến này, chúng tôi sẽ theo dõi biến chủng chứa chúng. Những đột biến này có thể ảnh hưởng đến tốc độ lây lan hay khả năng xâm nhập hệ miễn dịch”.