Nhóm nghiên cứu tại Mỹ từng gây sửng sốt cho cộng đồng khoa học vào năm 2019 khi phục hồi được chức năng tế bào trong não của những con lợn, vài giờ sau khi chúng bị chặt đầu.
Tuy nhiên, nghiên cứu mới nhất được công bố trên tạp chí Nature hôm 3/8 còn mở rộng kỹ thuật này cho toàn bộ cơ thể, theo AFP.
Các nhà nghiên cứu tạo ra cơn đau tim ở những con lợn được gây mê, khiến máu ngừng cung cấp đến các cơ quan trên cơ thể. Điều này làm mất oxy của các tế bào. Và nếu không có oxy, các tế bào ở động vật có vú sẽ chết.
Những con lợn sau đó đã chết trong một giờ.
Các nhà khoa học bơm vào cơ thể các con lợn chất lỏng có chứa máu của chính chúng, một dạng tổng hợp của hemoglobin (protein vận chuyển oxy trong các tế bào hồng cầu) và các loại thuốc bảo vệ tế bào, ngăn ngừa cục máu đông.
Trong 6 giờ tiếp theo của thí nghiệm, máu lưu thông lại và nhiều tế bào ở tim, gan và thận của những con lợn bắt đầu hoạt động trở lại.
Các nhà khoa học cho biết có thể khôi phục chức năng của một số cơ quan của các con lợn được thí nghiệm, một giờ sau khi tim chúng ngừng đập. Ảnh: TNS. |
Nenad Sestan, tác giả chính của nghiên cứu và là nhà nghiên cứu tại Đại học Yale, cho biết: “Những tế bào này hoạt động hàng giờ sau trong khi chúng đáng lẽ không thể hoạt động. Điều này cho chúng ta biết quá trình chết đi của tế bào có thể bị dừng lại”.
Nhà khoa học David Andrijevic, đồng tác giả nghiên cứu, cho biết nhóm hy vọng kỹ thuật OrganEx được dùng trong nghiên cứu “có thể được sử dụng để cứu nội tạng”.
Nhà khoa học Sam Parnia, công tác tại Trường Y khoa Grossman, Đại học New York cho rằng đây là “một nghiên cứu thực sự đáng chú ý và rất quan trọng”. Nó cho thấy rằng cái chết là “quá trình sinh học có thể điều trị được và có thể đảo ngược trong nhiều giờ sau khi nó xảy ra”, ông nói.
Phát hiện này làm dấy lên hy vọng cứu sống nhiều bệnh nhân cần cấy ghép các cơ quan nội tạng.
Tuy nhiên, nó cũng có thể thúc đẩy cuộc tranh luận về đạo đức. Đặc biệt là sau khi một số con lợn đáng lẽ đã chết lại chuyển động đầu trong quá trình thử nghiệm và khiến các nhà nghiên cứu giật mình.