Một nghiên cứu mới "có tiềm năng mở ra hướng đi giúp khai thác các nguyên tố đất hiếm", theo Michael Anenburg, nhà khoa học tại Đại học Quốc gia Australia và là tác giả nghiên cứu, cho biết.
Nghiên cứu nói trên được lấy cảm hứng từ việc phát hiện ra một lượng lớn nguyên tố đất hiếm ở Kiruna (Thụy Điển), một thị trấn khai thác nằm trên một khối lượng lớn quặng sắt, được hình thành khoảng 1.600 triệu năm trước, sau thời kỳ núi lửa phun trào dữ dội.
Các nhà khoa học tại Đại học Quốc gia Australia và Đại học Khoa học Trung Quốc đặt ra câu hỏi rằng liệu đây có phải một "sự ngẫu nhiên về mặt địa chất" hay "những ngọn núi lửa có chứa nhiều quặng sắt đã tạo ra nguồn nguyên tố đất hiếm".
Để trả lời câu hỏi đó, nhóm nghiên cứu đã mô phỏng một buồng magma trong phòng thí nghiệm của họ bằng cách sử dụng một tảng đá tổng hợp có thành phần tương tự những ngọn núi lửa đã ngừng hoạt động, đặt nó vào một lò áp suất và làm nóng nó đến nhiệt độ cực cao.
Các nhà khoa học không thể tiến hành thực địa vì loại núi lửa ngừng hoạt động đáp ứng đủ điều kiện như trường hợp phát hiện ở Kiruna là rất hiếm, theo ông Anenburg.
Michael Anenburg, nhà khoa học tại Đại học Quốc gia Australia. Ảnh: ANU. |
Các nguyên tố đất hiếm như lanthanum, neodymium và terbium đóng vai trò quan trọng trong việc phá vỡ sự phụ thuộc của con người vào nguyên liệu hoá thạch, vốn là nguồn cơn của tình trạng nóng lên toàn cầu.
Những vật liệu này tuy được gọi là nguyên tố hiếm song không thực sự hiếm, vấn đề chủ yếu nằm ở việc chiết xuất khó khăn.
Trong nghiên cứu của nhóm nhà khoa học từ Đại học Quốc gia Australia và Đại học Khoa học Trung Quốc, magma giàu sắt hấp thụ toàn bộ nguyên tố đất hiếm từ môi trường xung quanh.
Nhóm nghiên cứu kết luận rằng loại magma giàu sắt này có hiệu suất chiết xuất nguyên tố hiếm cao gấp 200 lần so với magma phun trào từ núi lửa thông thường.
Các phát hiện cho thấy có thể tồn tại những mỏ đất hiếm chưa được khám phá trong các ngọn núi lửa đã tuyệt chủng trên khắp thế giới, bao gồm cả ở Mỹ, Chile và Australia.