Kích thước của cặp tia plasma nói trên còn lớn hơn chiều dài của 140 dải ngân hà xếp cạnh nhau. Hai luồng plasma này được phun ra từ một hố đen khổng lồ và phóng ra ngoài thiên hà chủ của chúng.
Các nhà khoa học đặt tên cho cặp tia plasma này là Porphyrion theo tên một người khổng lồ trong thần thoại Hy Lạp.
Tổng công suất của Porphyrion tương đương sức nóng của hàng nghìn tỷ hằng tinh cộng lại.
Các tia plasma phóng ra từ lỗ đen là các luồng ion tích điện, electron và các hạt khác. Chúng được gia tốc đến gần tốc độ ánh sáng bởi các từ trường khổng lồ xung quanh lỗ đen.
Các luồng tia như vậy đã được biết đến trong hơn một thế kỷ, nhưng cho đến gần đây, chúng vẫn được cho là hiện tượng hiếm thấy.
Hệ thống tia plasma khổng lồ Porphyrion được bắt lại trên kính viễn vọng Lofar. Ảnh: Caltech. |
Porphyrion đã được phát hiện bởi kính viễn vọng Lofar của Châu Âu trong một cuộc khảo sát bầu trời. Tại đây, các nhà khoa học đã phát hiện ra hơn 10.000 luồng plasma phóng ra từ các lỗ đen khổng lồ. Nhiều luồng mạnh đến mức chúng đẩy xa ra khỏi thiên hà chủ của lỗ đen và sâu vào các khoảng không rộng lớn của mạng lưới vật chất kết nối các thiên hà.
Với kích thước của Porphyrion, các nhà thiên văn học hiện nghi ngờ rằng các luồng tia khổng lồ như vậy có vai trò trong việc định hình sự tiến hóa của vũ trụ. Các luồng tia lỗ đen có thể dập tắt sự hình thành sao nhưng cũng phun ra một lượng lớn vật chất và năng lượng vào sâu trong không gian.
“Porphyrion cho thấy những thứ nhỏ và lớn trong vũ trụ có mối liên hệ mật thiết với nhau”, Tiến sĩ Martijn Oei, một học giả tại Đại học Caltech (Mỹ), và là tác giả chính của một bài báo trên tạp chí Nature đưa tin về khám phá này, cho biết. “Chúng ta đang nhìn thấy một lỗ đen duy nhất tạo ra cấu trúc có quy mô tương tự như các sợi và khoảng trống vũ trụ”.
Sau khi phát hiện ra Porphyrion, nhóm nghiên cứu, bao gồm Martin Hardcastle, một giáo sư vật lý thiên văn tại Đại học Hertfordshire, đã sử dụng kính viễn vọng vô tuyến Giant Metrewave ở Ấn Độ và Đài quan sát WM Keck ở Hawaii để xác định vị trí của cặp tia này trong một thiên hà có khối lượng lớn hơn dải ngân hà 10 lần và cách Trái Đất khoảng 7,5 tỷ năm ánh sáng.
Cặp tia Porphyrion bắt đầu hình thành khi vũ trụ khoảng 6,3 tỷ năm tuổi và các luồng này mất một tỷ năm để phát triển đến độ dài như hiện nay.