Một nhóm nhà cổ sinh vật học từ Đại học Zaragoza, cùng các đồng nghiệp tại Đại học NOVA Lisbon và Viện Cổ sinh vật học và Tiến hóa Xã hội Catalan, đã phát hiện ra vỏ trứng của một loài cá sấu mới ở khu vực Ribagorza, thuộc tỉnh Huesca, Đông Bắc Tây Ban Nha, theo Newsweek.
Nghiên cứu được công bố vào ngày 21/7 trên tạp chí Lịch sử Sinh học. Sau đó, Đại học Zaragoza đã ra thông cáo liên quan đến phát hiện này vào ngày 1/9.
Các nhà cổ sinh vật học đã tìm thấy một loài cá sấu mới đẻ trứng có vỏ dày nhất thế giới. Ảnh minh họa: ABC. |
Trong tài liệu nghiên cứu, các tác giả mô tả chi tiết quá trình xác định vị trí của hơn 300 mảnh vỡ vỏ trứng được tìm thấy gần Biascas de Obarra, thành phố Beranuy, tỉnh Huesca.
"Các mảnh vỡ này tương ứng với vỏ trứng cá sấu dày nhất trong hồ sơ hóa thạch trên toàn thế giới. Khám phá này làm tăng sự giàu có về cổ sinh vật học của vùng Ribagorza, và tái khẳng định tầm quan trọng của việc nghiên cứu sự kiện tuyệt chủng kỷ Phấn trắng trên toàn thế giới", Đại học Zaragoza nói với Zenger News.
Theo các chuyên gia, những mảnh vỏ trứng này có nguồn gốc từ kỷ Phấn trắng Sớm, và "các mảnh vỡ thuộc về trứng của loài cá sấu sống cùng với loài khủng long Iberia cuối cùng vào cuối kỷ Phấn trắng", Newsweek cho biết thêm.
Sự kiện tuyệt chủng kỷ Phấn trắng - Cổ cận có thể được coi là sự kiện tuyệt chủng được biết đến nhiều nhất trong lịch sử. Giới khoa học cho rằng một tiểu hành tinh đã va chạm với Trái Đất vào khoảng 65 triệu năm trước, khiến sự sống hầu như biến mất, bao gồm khủng long.