Guardian hôm 18/8 cho biết các nhà khoa học đã tìm thấy loài chuột chù voi tí hon Somali ở vùng Sừng châu Phi sau hơn 50 năm biến mất. Lần cuối cùng các nhà khoa học quan sát thấy loài này là vào năm 1968.
Chuột chù voi Somalia chỉ kết đôi với một con vật khác giống trong cuộc đời. Loài này có thể chạy với tốc độ 30 km/h, ăn kiến bằng chiếc mũi dài như chiếc vòi của mình. Chuột chù voi Somalia có một túm lông ở đuôi, giúp phân biệt chúng với các loài chuột chù voi khác.
Chuột chù voi Somalia. Ảnh: Global Wildlife. |
Được người dân địa phương thông báo, các nhà khoa học đã đi tới Djibouti để tìm kiếm loài động vật từng được cho là đã hoàn toàn biến mất. Dựa vào các kiến thức đã được biết tới về loài chuột chù voi, các nhà khoa học đã đặt bẫy ở những vị trí tiềm năng, sử dụng mồi là bơ đậu phộng, bột yến mạch và nấm men.
Ngay từ những chiếc bẫy đầu tiên ở khu vực có địa hình khô, các nhà khoa học đã tìm thấy một con chuột chù voi Somalia, với đặc điểm nhận dạng là chùm lông đuôi, giúp phân biệt chúng với các loài chuột chù voi khác.
"Điều này thật tuyệt vời. Khi mở chiếc bẫy đầu tiên và nhìn thấy chùm lông nhỏ trên đuôi của nó, chúng tôi chỉ nhìn nhau và không dám tin vào mắt mình. Nhiều cuộc tìm kiếm đã được tiến hành ở Djibouti từ năm 1970 nhưng không tìm thấy loài chuột chù voi Somalia", Steven Heritage, nhà khoa học từ Đại học Duke, Mỹ, cho biết.
Nhóm nghiên cứu đã đặt hơn 1.000 bẫy ở nhiều địa điểm khác nhau, và tìm thấy tổng cộng 12 cá thể chuột chù voi Somalia. Phân tích ADN cho thấy loài chuột chù voi Somalia có họ hàng gần nhất với các loài chuột chù voi ở Morocco và Nam Phi.
Phát hiện mới này cho thấy loài chuột chù voi có lãnh thổ sống chỉ khoảng sân sau của một ngôi nhà, bằng cách nào đó, đã di chuyển qua quãng đường rất lớn, để có sự hiện diện ở Djibouti, Morocco và Nam Phi. Điều này đồng thời đặt ra câu hỏi mới về tiến hóa cho các nhà khoa học.