Bằng cách sử dụng kính thiên văn GBT và VLBA, một nhóm nhà thiên văn người Mỹ đã khám phá ra ẩn tinh nằm cách trái đất gần 900 năm ánh sáng, thuộc chòm sao Bảo Bình. Họ đặt tên nó là PSR J2222-0137.
PSR J2222-0137 là ngôi sao lùn trắng lạnh nhất và mờ nhạt nhất mà giới khoa học phát hiện từ trước tới nay. Ảnh: NRAO/AUI/NSF. |
Theo Universal Today, PSR J2222-0137 là ngôi sao lùn trắng lạnh và mờ nhạt nhất mà giới khoa học phát hiện từ trước tới nay. Theo tính toán của các chuyên gia, nhiệt độ của PSR J2222-0137 không lớn hơn 2.700 độ C. Trên thực tế, carbon của nó kết tinh lại và hình thành nên một viên kim cương có kích cỡ tương đương trái đất.
“Đây thực sự là một vật thể đáng chú ý. Nhưng nó quá mờ nhạt tới mức chúng ta khó có thể quan sát”, giáo sư David Kaplan tới từ Đại học Wisconsin-Milwaukee, Mỹ, cho biết.
Theo các nhà khoa học, khoảng 5 tỷ năm tới hoặc lâu hơn, mặt trời của chúng ta sẽ dùng hết khí hydro để tạo thành năng lượng và dần biến thành một ngôi sao khí heli và bắt đầu phân hủy. Lõi mặt trời sẽ trở nên nóng hơn và giãn nở, dần tạo thành một ngôi sao khổng lồ với kích thước vươn tới quỹ đạo trái đất. Các phản ứng hóa học liên tục diễn ra đến khi mặt trời mất dần trọng lượng, để lại một lõi trơ chứa chủ yếu là cácbon và oxy. Đó chính là sao lùn trắng.
Các sao lùn trắng sẽ dần nguội lạnh và mờ nhạt qua hàng tỷ năm. Nhóm nghiên cứu nhận định, nhiều khả năng, ngôi sao kim cương PSR J2222-0137 bằng tuổi dải ngân hà – khoảng 11 tỷ năm tuổi.