Các nhà nghiên cứu lần đầu tiên tìm thấy một hố đen bất động có tên VFTS243, với khối lượng gấp 9 lần Mặt Trời bên ngoài Dải Ngân Hà.
Giáo sư vật lý thiên văn Paul Crowther mô tả đây là một “khám phá rất thú vị”. Một nhà nghiên cứu từ Đại học Sheffield cũng cho biết VFTS243 là “hố đen đầu tiên được phát hiện rõ ràng bên ngoài thiên hà của chúng ta”, theo Guardian.
Các hố đen có khối lượng sao được hình thành khi các ngôi sao lớn đến cuối vòng đời và sụp đổ dưới lực hấp dẫn của chính chúng. Trong một hệ nhị phân, gồm hai ngôi sao quay quanh nhau, quá trình này tạo ra một hố đen trên quỹ đạo kèm theo một ngôi sao đồng hành phát sáng.
Một nghệ sĩ mô phỏng hệ sao nhị phân VFTS243 - với một lỗ đen và một ngôi sao phát sáng lớn quay quanh nhau. Ảnh: Reuters. |
Hố đen bất động mới được phát hiện quay quanh một ngôi sao nóng, màu xanh, nặng gấp 25 lần Mặt trời. Nó được một nhóm nhà khoa học quốc tế quan sát trong một thiên hà lân cận.
Nghiên cứu của họ, được công bố trên Nature Astronomy, cho biết ngôi sao tạo ra hố đen VFTS243 đã biến mất mà không có bất kỳ dấu hiệu nào về một vụ nổ siêu tân tinh liên quan.
Giáo sư Crowther tham gia nghiên cứu này cùng với ông Tomer Shenar, từ Viện Vật lý và Thiên văn học, hiện là thành viên Đại học Amsterdam, Hà Lan.
Ông Shenar xác nhận khả năng xảy ra cái gọi là "kịch bản sụp đổ trực tiếp", tức sụp đổ mà không có vụ nổ. Ông tin rằng điều này có "ý nghĩa to lớn đối với nguồn gốc của sự hợp nhất các hố đen trong vũ trụ".
Một hố đen được coi là bất động nếu nó không phát ra mức bức xạ tia X cao, thông thường, khó phát hiện ra các hố đen này vì chúng không tương tác nhiều với môi trường xung quanh.