Bốn phụ nữ bị 9 người đàn ông đánh đập dã man sau khi một trong số họ phản đối hành vi quấy rối tình dục. Vụ tấn công - được camera giám sát ghi lại - đã gây ra làn sóng phẫn nộ trên khắp Trung Quốc. Chủ đề về nữ quyền và bạo lực trên cơ sở giới một lần nữa lại được đem ra thảo luận.
Tuy nhiên, sự im lặng đến từ các nạn nhân và gia đình còn khiến nhiều người lo lắng hơn. Cư dân mạng bắt đầu đồn đoán về tình hình của những phụ nữ xuất hiện trong video dù đã 10 ngày trôi qua, theo CNN.
Ngày 21/6, tờ China Daily đưa tin hai nạn nhân nữ trong vụ việc đang điều trị tại một bệnh viện địa phương. Hai người nằm viện là Wang (31 tuổi) và Li (29 tuổi) được giám định tổn thương nhẹ cấp độ hai. Tình hình sức khỏe của họ đang được cải thiện.
Trong khi đó, hai người còn lại là Yuan (24 tuổi) và Li (29 tuổi) có vết thương nhẹ hơn và không cần nằm viện.
Tin đồn lan rộng
Nhiều người sợ hãi khi xem đoạn phim. Những người đàn ông túm tóc kéo một cô gái ra sân, dùng chai lọ và ghế đánh vào cơ thể cô, trong khi chân liên tục đá vào đầu. Một người phụ nữ khác cố gắng can thiệp, nhưng lại bị đẩy ngã đập đầu xuống cầu thang.
Vài giờ sau vụ tấn công, mạng xã hội lan truyền bức ảnh một trong số các nạn nhân nằm trên giường bệnh viện, bê bết máu, trong khi đầu băng bó. Ngày hôm sau, cảnh sát Đường Sơn cho biết 2 phụ nữ nhập viện có “vết thương không nguy hiểm đến tính mạng” và ở trong “tình trạng ổn định”.
Suốt tuần trước khi giới chức cập nhật tình hình nạn nhân hôm 21/6, cư dân mạng đồn đoán một số nạn nhân có tình hình sức khỏe tồi tệ hơn nhiều so với những gì giới chức tuyên bố, bất chấp việc cảnh sát, quan chức bệnh viện và chi nhánh Liên đoàn Phụ nữ Trung Quốc liên tục phủ nhận.
Một người trong nhóm quấy rối không thành nên cả nhóm đã túm tóc người phụ nữ lôi ra ngoài và đánh đập. Ảnh: Straits Times. |
Một số người cáo buộc video chỉ ghi lại một phần cuộc tấn công và bạo lực tiếp tục xảy ra ở con hẻm gần đó, nhưng camera không ghi lại được. Một đoạn video khác cho thấy người dân đặt hoa trong con hẻm. CNN hiện chưa thể xác thực thông tin này. Nhiều đoạn video khác cũng xuất hiện trên mạng.
Trên Weibo, hashtag “Theo dõi thêm vụ đánh đập phụ nữ ở Đường Sơn” nhận 200 triệu lượt xem vào hôm 17/6 với hơn 220.000 bình luận. Ngày càng có nhiều người yêu cầu chính quyền thông báo chuyện gì đã xảy ra với những nạn nhân.
Trong tuyên bố hôm 17/6, Weibo cho biết họ đã khóa 320 tài khoản vì "tung tin đồn" về cuộc tấn công ở Đường Sơn. Một bài báo được lan truyền rộng rãi trên ứng dụng nhắn tin WeChat ám chỉ những tin đồn cũng đã bị kiểm duyệt.
"Bằng chứng đâu?"
Suy đoán dai dẳng này phần lớn xuất hiện vì “hố đen” thông tin xung quanh các nạn nhân. Không ai trong số họ - hoặc bạn bè và gia đình - lên tiếng sau vụ tấn công, và không có chi tiết chính thức nào về thương tích của họ.
Truyền thông nhà nước chủ yếu tập trung vào hành động nhanh chóng của cảnh sát trong việc bắt giữ nghi phạm, cũng như chiến dịch "chớp nhoáng" kéo dài hai tuần nhằm truy quét tội phạm có tổ chức ở Đường Sơn.
Một số hãng truyền thông nổi tiếng với cách đưa tin cứng rắn, chẳng hạn như China News Weekly, dẫn lời các quan chức bệnh viện phủ nhận tin có nạn nhân qua đời, nhưng điều đó không đủ để thuyết phục công chúng.
"Giới chức phủ nhận tin đồn hàng ngày. Bằng chứng đâu?”, một người dùng Weibo viết.
“Tại sao tin đồn xuất hiện khắp nơi? Vì chúng tôi không thể tìm thấy sự thật”, một người khác nhấn mạnh.
Ngay cả nhà báo truyền thông nhà nước cũng bị chính quyền địa phương cản trở việc đưa tin khi trích dẫn yêu cầu phòng chống dịch bệnh Covid-19.
Bất kỳ ai đến thành phố bằng tàu hỏa đều phải cung cấp địa chỉ chi tiết nơi họ ở và ký vào giấy cam kết không ra ngoài. Du khách có kế hoạch ở trong khách sạn phải đăng ký trước 48 giờ. Những người được phép rời ga tàu sẽ bị đưa đến chỗ ở trên các chuyến xe buýt do chính quyền bố trí.
Theo thông báo mới, tình hình của 2 nạn nhân nặng hơn đang được cải thiện. Ảnh: New York Times. |
Một nhà báo của Đài Truyền hình Quý Châu cho biết khi anh đến ga xe lửa Đường Sơn vào ngày 11/6 - một ngày sau vụ tấn công, anh không được phép rời nhà ga vì anh "không báo trước cho cộng đồng dân cư địa phương”.
Điều này vẫn diễn ra mặc dù anh có kết quả xét nghiệm âm tính cùng ngày, có “mã sức khỏe xanh” và đến từ một thành phố không ghi nhận ca mắc nào trong những ngày gần đây.
"Đây thực sự là biện pháp phòng chống dịch thông thường, hay (là chính quyền) sử dụng Covid-19 như cái cớ để ngăn các nhà báo vào Đường Sơn?", anh nói trong một đoạn video đăng trên Weibo. Tuy nhiên, đoạn video hiện đã bị xóa.
Đây không phải là lần đầu tiên chính quyền địa phương Trung Quốc sử dụng Covid-19 để kiểm soát chính trị. Tại thành phố Trịnh Châu, tỉnh Hà Nam, giới chức nhận cáo buộc làm giả hệ thống mã y tế kỹ thuật số để ngăn cản biểu tình.
"Đường Sơn và Hà Nam thực sự giống nhau đến đáng sợ: Trong 8 ngày, công chúng không biết gì về các nạn nhân, nhưng (chính quyền Hà Nam) biết tất cả dữ liệu trong một giây - bạn đang ở đâu, bạn đặt vé tàu nào, và bạn muốn làm gì”, Li Chengpeng - nhà phê bình xã hội nổi tiếng - viết trên mạng xã hội hôm 18/6.
"Những gì bạn biết là những gì (nhà chức trách) cho phép bạn biết, những gì bạn không biết sẽ không bao giờ được biết", nhà phê bình viết thêm. Bài viết này sau đó đã bị kiểm duyệt.