Một nghiên cứu công bố trên tạp chí Environment International lần đầu tiên ghi nhận sự tồn tại của các hạt vi nhựa trên cả mặt trông vào khoang ối lẫn màng đệm của nhau thai. Mẫu xét nghiệm được lấy từ bốn phụ nữ khỏe mạnh và sinh con bình thường.
Khoảng 12 mảnh vi nhựa đã được phát hiện từ bốn nhau thai nói trên. Tuy nhiên, vì mẫu xét nghiệm chỉ chiếm 4% diện tích nhau thai nên nhóm nghiên cứu cho rằng lượng vi nhựa thực tế còn cao hơn gấp nhiều lần.
Các hạt vi nhựa này có kích thước vào khoảng 0,01 mm, đủ nhỏ để lẫn vào mạch máu người. Nhóm nghiên cứu hiện nghi ngờ số dị vật này đã xâm nhập vào cơ thể các bé sơ sinh song chưa thể kiểm chứng ngay.
Kết quả phân tích cho thấy số vi nhựa nói trên có nguồn gốc từ các sản phẩm nhựa như bao bì, sơn, mỹ phẩm, dầu gội hoặc xà phòng.
Các nhà nghiên cứu vẫn đang xem xét tác động của lượng vi nhựa phát hiện được đối với sức khỏe của trẻ sơ sinh. Ảnh: Getty. |
Nhiều nhà khoa học cho rằng việc phát hiện ra lượng vi nhựa trong nhau thai ở người là "một điều đáng lưu tâm".
Tác động trực tiếp của số dị vật này đối với cơ thể người hiện vẫn là một ẩn số. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia dự đoán số vi nhựa này có thể mang theo một số hóa chất gây tổn thương lâu dài hoặc làm rối loạn hệ thống miễn dịch đang phát triển của thai nhi.
"Hiện tượng này không khác gì các bà mẹ sinh ra em bé lai người máy cả", Giám đốc sản phụ khoa Antonio Ragusa tại Bệnh viện San Giovanni Calibita Fatebenefratelli ở Rome nhận xét. "Cơ thể em bé không chỉ bao gồm tế bào của con người, mà còn chứa chất tổng hợp sinh học và vô cơ nữa".