Phát hiện hành tinh ‘siêu giống trái đất’
Kính thiên văn không gian Kepler của Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) vừa có một phát hiện gây kinh ngạc về một hành tinh mới giống hệt trái đất bên ngoài hệ mặt trời, có khả năng tồn tại sự sống ngoài hành tinh nhất.
Các nhà khoa học NASA phấn khích cho biết, họ vừa phát hiện một hành tinh "siêu giống trái đất". |
Với bán kính bằng 1,5 lần trái đất - nghĩa là chỉ lớn hơn trái đất của chúng ta một chút, hành tinh trên được các nhà khoa học gọi là “siêu trái đất”. Hành tinh này quay quanh một ngôi sao tương tự mặt trời và ở khoảng cách rơi vào trong “khu vực có thể sống được”. Đây là khu vực mà có khả năng tồn tại nước trên bề mặt của hành tinh.
Các nhà khoa học tuyên bố, nếu được xác nhận, “siêu trái đất” sẽ trở thành ứng viên có khả năng tồn tại sự sống ngoài vũ trụ nhất.
“Điều này thực sự thú vị. Siêu trái đất nằm trong vùng có thể ở được và quay quanh một ngôi sao tương tự mặt trời. Hành tinh vừa được phát hiện có khả năng là hành tinh sinh đôi của trái đất ngoài hệ mặt trời nhiều nhất cho tới nay. Ngôi sao mà nó quay quanh thuộc sao kiểu G, chỉ hơi lạnh hơn so với mặt trời của chúng ta một chút”, nhà thiên văn học Natalie Batalha ở Trung tâm nghiên cứu Ames của NASA ở Moffett Field, California cho hay.
“Nếu được xác nhận, nó chắc chắn là ứng viên tuyệt vời cho sự sống ngoài trái đất. Dựa trên các đặc điểm của nó, hành tinh này có thể có hoặc không có đá nhưng nó chắc chắn có chứa nước ở dạng lỏng”, nhà vật lý thiên văn Mario Livio, Viện Khoa học Kính viễn vọng Không gian ở Baltimore khẳng định. Ngoài ra, các nhà khoa học cũng tiết lộ, “siêu trái đất” mất 242 ngày để quay quanh ngôi sao của nó (so với 365 ngày trên trái đất).
“Siêu trái đất” được các nhà khoa học đặt tên chính thức là Koi 172,02 và là một trong 461 hành tinh tiềm năng mới vừa được kính thiên văn Kepler phát hiện. Kính thiên văn Kepler được đưa vào sử dụng năm 2009 và sẽ kết thúc sứ mệnh nhanh nhất là vào năm 2016. Cho đến nay, nó đã phát hiện 2.740 hành tinh tiềm năng (tồn tại các yếu tố hỗ trợ sự sống). Tuy nhiên, chỉ có 105 hành tinh trong số đó được xác nhận.
Phương Đăng
Theo Infonet