Sau khi phân tích dữ liệu do kính thiên văn không gian Kepler của Mỹ thu thập, một nhóm chuyên gia quốc tế phát hiện 5 hành tinh xoay quanh một ngôi sao cách trái đất khoảng 500 năm ánh sáng. Đó là một ngôi sao lùn đỏ với kích thước bằng khoảng một nửa mặt trời. 4 hành tinh trong nhóm bay sát ngôi sao nên nhiệt độ bề mặt của chúng khá cao. Nhưng hành tinh xa nhất, mang tên Kepler-186f, có nhiệt độ bề mặt vừa đủ để nước có thể tồn tại ở dạng lỏng. Ngoài ra, nó chỉ to hơn khoảng 10% so với trái đất, The Washington Post đưa tin.
Hình minh họa hành tinh Kepler-186f. Ảnh: sci-news.com |
Các nhà nghiên cứu nói Kepler-186f có thể sở hữu hai điều kiện cơ bản để sự sống tồn tại. Kích thước gần bằng trái đất cho thấy rất có thể nó là một hành tinh đá, chứ không phải thiên thể khí. Ngoài ra, cũng như địa cầu, bề mặt của nó không quá nóng hay quá lạnh.
"Giới khoa học vẫn chưa hoàn toàn hiểu những điều kiện cho phép sự sống tồn tại trên một hành tinh. Vì thế chúng ta phải tiếp tục tìm hiểu. Giả thuyết cơ bản của chúng ta là: Bạn cần một bề mặt đá và nước để sự sống có thể tồn tại trên một hành tinh", Brad Hansen, một nhà vật lý thiên văn của Đại học California tại Mỹ, phát biểu.
Năm ngoái kính thiên văn không gian Kepler phát hiện ba hành tinh ngoài Thái Dương Hệ có điều kiện thuận lợi cho sự sống tồn tại. Chúng đều lớn hơn địa cầu và xoay quanh hai ngôi sao. Kepler-62f, tên của một hành tinh, lớn hơn trái đất khoảng 60%. Hồi ấy nó là hành tinh có kích thước gần trái đất nhất so với những thiên thể có khả năng hỗ trợ sự sống. Nhưng kích thước của Kepler-186f chỉ lớn hơn trái đất khoảng 10%.
Kích thước của trái đất nhỏ hơn kích thước của Kepler-186f khoảng 10%. Ảnh: slate.com |
Mặc dù vậy, Kepler-186f không phải là phiên bản song sinh thực sự của trái đất do nó lạnh hơn (nhiệt lượng mà nó nhận từ ngôi sao chỉ bằng 1/3 so với nhiệt lượng trái đất nhận từ mặt trời).
"Lượng ánh sáng mà hành tinh này nhận còn thấp hơn cả sao Hỏa", David Kipping, một nhà nghiên cứu của Trung tâm Vật lý thiên văn Harvard-Smithsonian tại Mỹ, phát biểu. Kipping không phải thành viên của nhóm phát hiện Kepler-186f.
Ngoài ra, nhóm nghiên cứu cũng chưa biết chính xác khối lượng của Kepler-186f, nghĩa là họ không thể xác định nó có bề mặt bằng đá, hay có lõi đá và bề mặt khí. Nếu trường hợp thứ hai xảy ra, nó sẽ là hành tinh khác trái đất.