2012 VP113 - tên khoa học của hành tinh lùn màu hồng - tồn tại ở rìa của hệ Thái Dương Hệ. Nó là vật thể xa nhất xoay quanh mặt trời. Khoảng cách tối thiểu giữa nó và mặt trời vào khoảng 12 tỷ km, còn khoảng cách tối đa lên tới 67 tỷ km. Tuy nhiên, các nhà thiên văn cũng gọi nó là Biden.
Hình minh họa hành tinh hồng Biden. Ảnh: sci-news.com |
Scott Shepherd, một nhà thiên văn của Viện Khoa học Carnegie, và Chadwick Trujillo, một chuyên gia của Đài Thiên văn Gemini tại Mỹ, phát hiện Biden khi họ quan sát bầu trời tại Đài thiên văn Cerro Tololo tại Chile vào năm 2012. Nhưng mãi tới ngày 27/3, họ mới công bố phát hiện trên tạp chí Nature.
Theo những học thuyết phổ biến nhất hiện nay, không vật thể nào tồn tại ở gần rìa Thái Dương Hệ. Vì thế, sự tồn tại của Biden ở vùng rìa hệ Mặt Trời khiến các nhà thiên văn sửng sốt.
Trước đây giới khoa học nghĩ sao Diêm Vương là vật thể xa nhất trong hệ Mặt Trời. Chiều dài lớn nhất của quỹ đạo của sao Diêm Vương vào khoảng 7,4 tỷ km.
Đường kính của Biden vào khoảng 450 km. Thành phần chính của nó là băng và đá. Có lẽ màu hồng của hành tinh là kết quả của những tác động phóng xạ trên nước đóng băng, metan và carbon dioxide - những chất tạo nên bề mặt của nó. Biden cần tới khoảng 4.000 năm để hoàn thành một vòng quỹ đạo.