Ông Lê Bá Hạnh, Phó giám đốc Bảo tàng Hà Tĩnh ngày 14/8 cho biết, cơ quan đã cử cán bộ chuyên môn về trực tiếp tại huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh) để thẩm định và đưa số cổ vật vừa được phát hiện tại một nhà dân trên địa bàn về phục vụ công tác nghiên cứu.
Đầu tượng cổ màu vàng vừa được phát hiện tại Nghi Xuân, Hà Tĩnh. Ảnh: Bá Hạnh |
Trước đó, trong lúc đào móng nhà, gia đình ông Trần Chí Hiếu (ở xã Xuân Giang) vô tình phát hiện đầu tượng cổ hình người bằng đất nung trong lòng đất ở độ sâu 60 cm. Ngoài ra xung quanh có một số hiện vật khác như gạch, ngói cổ.
“Qua quan sát, đầu tượng cổ này được chế tác bằng đất nung, có màu vàng. Tượng có hình thù là mặt, đầu của người đàn ông, có sống mũi cao, tai to, mắt nhắm lại, tóc để dài và búi gọn thành hình quả đào được vấn ngược lên đỉnh đầu và vòng ra sau đuôi gáy. Đầu tượng có trọng lượng khoảng 3 kg, cao 17 cm, rộng 10 cm”, ông Hạnh nói.
Xung quanh bức tượng cổ là một số viên gạch vồ, ngói vảy rồng và các mảnh vỡ bát, đĩa. Gạch có hình chữ nhật, dài 40 cm, rộng 20 cm, dày 5cm; được trang trí họa tiết hoa văn, khắc vạch hình vòng cung.
Số hiện vật khác được phát hiện cùng với tượng cổ. Ảnh: Bá Hạnh. |
Sau khi đào lên, gia đình đã trình báo sự việc lên cơ quan chức năng về xác minh, xử lý. Nhiều nhà nghiên cứu khảo cổ học tỉnh Hà Tĩnh đều có chung nhận định, nhóm hiện vật cổ nói trên thuộc niên đại thời Lý, Trần (thế kỷ 11-13).
Đây có thể là tượng thờ của một danh tướng thời nhà Lý, bởi nhóm hiện vật trên cũng nằm gần khu vực Đền Huyện, thờ Lý Nhật Quang và là một di chỉ khảo cổ học thời đại Lý, Trần.