Phát hiện dạng sống lạ ở ‘hồ nguyên thủy’
Phân tích mẫu nước được lấy dưới lòng hồ nguyên thủy Vostok bị chôn vùi hàng chục triệu năm dưới lớp băng tuyết ở Nam Cực, các nhà khoa học Nga đã phát hiện một dạng sống hoàn toàn khác biệt.
Chuyên gia Sergei Bulat làm việc tại phòng thí nghiệm di truyền học Viện Vật lý hạt nhân Saint Petersburg cho biết: “Sau khi loại bỏ tất cả các yếu tố có thể gây ô nhiễm, ADN loại sinh vật mới được tìm thấy không giống với bất kể loài vi khuẩn nào được lưu trữ bên trong cơ sở dữ liệu toàn cầu. Chúng tôi coi dạng sống này là không thể phân loại và không thể xác định”.
Khoan lấy mẫu nước ở "hồ nguyên thủy" Vostok. |
Theo ông Bulat, ADN của các loại vi khuẩn hiện tại đều có 86% sự tương đồng với những dạng sống được biết đến trước đó. Tuy nhiên, ADN của loài sinh vật được tìm thấy dưới lòng hồ Voltok có độ tương đồng bằng 0, hoàn toàn khác biệt với những gì con người từng biết. Có thể khẳng định, loài vi khuẩn này hoàn toàn nằm ngoài sự hiểu biết của con người.
Việc xác định được sinh vật lạ từ mẫu nước dưới lòng hồ nguyên thủy cho thấy tồn tại những dạng sống đặc biệt ngay chính trên trái đất mà con người chưa từng biết đến. Không chỉ là thành tựu của giới khoa học, xác định được sự tồn tại của dạng sống lạ cho thấy khả năng tìm thấy sự sống ngoài trái đất ở những hành tinh có điều kiện khắc nghiệt.
Là hồ ngầm lớn nhất Nam Cực, Vostok mang trong mình vô số bí ẩn vì lớp băng dày cách ly trong khoảng 15–25 triệu năm. Phải mất 30 năm, mũi khoan đặc biệt của Nga mới vượt qua được lớp băng dày 4 km để đưa con người tiếp cận nguồn nước tinh khiết sau hàng chục triệu năm bị đóng kín mà không làm độ thuần khiết của nước hồ bị ô nhiễm.
Việc tìm thấy dạng sống lạ trong mẫu nước hồ Vostok mở ra cơ hội tìm thấy sự sống ở sao Hỏa và các hành tinh khác thuộc hệ mặt trời và các thái dương hệ xung quanh. Nó cũng trở thành bảo tàng sống khổng lồ, giúp mở rộng thêm hiểu biết của con người về những dạng sống cách đây 20 triệu năm.
Hồng Duy
Theo Infonet