Hồ lớn nhất Nam cực có sự sống như thế nào?
Phân tích mẫu nước đá ngay phía trên mặt hồ Vostok, bị chôn vùi dưới lớp băng vĩnh cửu dày hơn 4km từ hàng chục triệu năm trước, các nhà khoa học vẫn chưa tìm thấy dấu vết của sự sống dưới lòng hồ bí ẩn.
Sergey Bulat, chuyên gia tại Viện Vật lý Hạt nhân Petersburg Nga vừa trình bày kết quả nghiên cứu sơ bộ về mẫu nước thu giữ bên dưới hồ Vostok có diện tích 6.000 dặm vuông, được lấy mẫu hồi tháng 2 vừa qua. Sau gần 30 năm nghiên cứu và mở đường xuống khám phá nơi bí ẩn nhất hành tinh, 40 lít nước "thời nguyên thủy" đã được thu giữ phục vụ nghiên cứu.
Hồ nguyên thủy Vostok và vị trí khoan. |
Công bố tại cuộc Hội thảo lần thứ 12 về sinh vật học vũ trụ châu Âu, Bulat và các đồng nghiệp cho biết, họ tìm thấy ít hơn 10 vi khuẩn/1ml nước, tương đương với mức vi khuẩn được phát hiện trong phòng vô trùng. Tuy nhiên, cơ hội phát hiện sự sống bên dưới lòng hồ Vostok vẫn còn khá khả quan bởi nhiệt độ nước bên dưới lòng hồ chắc chắn sẽ cao hơn nhiệt độ phía bên trên.
Sở hữu chiều dài 250km và nơi rộng nhất đạt 50km biến Vostok trở thành hồ lớn nhất trong số gần 200 hồ ngầm nằm dưới lớp bằng dày đặc của Nam Cực. Hồ Vostok thực sự là nơi bí hiểm nhất hành tinh. Theo ước tính, hồ Vostok có thể bị cô lập với thế giới bên ngoài trong khoảng 15 – 25 triệu năm trước dưới lớp băng dày tới 4km. Việc nghiên cứu lòng hồ gặp vô vàn những trở ngại bởi các nhà khoa học chỉ vừa tiếp cận được lòng hồ sau hàng chục năm nỗ lực.
Suốt 30 năm qua, một mũi khoan đặc biệt đang miệt mài xuyên thủng lớp băng dày gần 4km để đưa con người tiếp cận nơi bí hiểm nhất hành tinh. Không chỉ giải mã những thắc mắc khoa học về lòng hồ Vostok, những thông tin lưu trữ ở nơi bí ẩn nhất đại cầu còn giúp giải đáp những câu hỏi về trái đất và vũ trụ.
Cận cảnh mũi khoan xuyên thấu gần 4km băng Nam Cực. |
Môi trường dưới lòng hồ Vostok được đánh giá là bí ẩn và chưa từng được ghi nhận trên toàn thế giới. Nó mở ra cơ hội nghiên cứu một trong những bí ẩn của vũ trụ suốt 20 triệu năm qua. Có thể môi trường dưới “hồ nguyên thủy” sẽ giống với hành tinh nào đó trong vũ trụ mà con người đang nghiên cứu, mở ra khả năng tìm thấy sự sống ngoài hành tinh.
Ngay khi việc khoan thăm dò hồ Vostok được các nhà khoa học Nga tiến hành, khả năng vi khuẩn từ trên bề mặt trái đất làm ô nhiễm hồ nguyên thủy đã được tính đến. Chính vì lý do đó, khi mũi khoan chạm tới mặt băng đóng ngay trên mặt hồ Vostok, nó được rút lên để vô trùng bằng dầu mỏ, trước khi được đưa trở lại công việc.
Song song với đó, các nhà khoa học tiến hành điều chỉnh áp lực khoan khiến băng và nước đá không thể xâm nhập vào lòng lồ. Trong khi nước dưới hồ có thể phun lên nhờ chênh lệch áp lực, phục vụ hiệu quả việc lấy mẫu nghiên cứu. Tính tới thời điểm hiện tại, 40 lít nước đã được các nhà khoa học Nga thu giữ vào bảo quản trong những chiếc hộp đặc biệt, phục vụ toàn bộ quá trình nghiên cứu.
Hồng Duy
Theo Infonet