“Suy nghĩ đầu tiên của tôi là chúng ta thực sự có cơ hội khám phá bầu khí quyển của cả những hành tinh có kích thước giống với các hành tinh đá”, Natalie Batalha - giáo sư tại Đại học California (Santa Cruz) và là thành viên của dự án Webb - cho hay.
Nghiên cứu về ngoại hành tinh WASP-39 nhờ kính viễn vọng James Webb - trị giá 10 tỷ USD - sẽ sớm được công bố trên tạp chí Nature, AFP đưa tin.
Mặc dù ngoại hành tinh có thể sẽ không bao giờ hỗ trợ sự sống theo như các nghiên cứu trước đó, việc phát hiện CO2 tại đây có thể đem lại hy vọng cho giới khoa học trong hành trình quan sát sự sống trên các vật thể đá khác.
Hình minh họa cho WASP-39. Ảnh: NASA. |
"Đối với tôi, phát hiện này mở ra cánh cổng cho các nghiên cứu về siêu Trái Đất (hành tinh lớn hơn Trái Đất nhưng nhỏ hơn sao Hải Vương), hay thậm chí là cả hành tinh có kích thước giống Trái Đất trong tương lai”, Pierre-Olivier Lagage - nhà vật lý thiên văn của Ủy ban Năng lượng Nguyên tử (CEA) của Pháp - nói.
Trong thông cáo báo chí, NASA cho biết việc phát hiện ra CO2 cũng sẽ giúp giới khoa học tìm hiểu thêm về cách WASP-39 hình thành. WASP-39 được phát hiện từ năm 2011.
Ngoại hành tinh này - quay quanh ngôi sao cách 700 năm ánh sáng mỗi bốn ngày trên Trái Đất một lần - có khối lượng bằng 1/4 sao Mộc nhưng đường kính lớn hơn 1,3 lần.
Trước đó, kính viễn vọng không gian Hubble và Spitzer của NASA đã phát hiện hơi nước, natri và kali trong bầu khí quyển của WASP-39.