Theo BBC, những mẩu xương hóa thạch được cho là thuộc về loài vật có chiều cao 1,6 mét và nặng tới 80 kg. Chúng sinh sống trong Thế Paleocene (từ 55-66 triệu năm trước)
Viện bảo tàng Canterbury, nơi trưng bày những mẩu xương hóa thạch gọi loài vật này là "chim cánh cụt ác quỷ". Nó được thêm vào danh sách những loài chim khổng lồ đã tuyệt chủng ở New Zealand, trong đó có vẹt khổng lồ, đại bàng khổng lồ, dơi khổng lồ và moa - loài chim có chiều cao 3,6 m.
Ông Paul Scofield, người phụ trách hiện vật cấp cao của bảo tàng Canterbury, cho biết đây là một trong những loài chim cánh cụt lớn nhất từng được tìm thấy. Chúng chỉ sinh sống tại những vùng nước ở phía nam bán cầu.
Ông Paul Scofield (đeo kính) và ông Gerald May (phải) bên cạnh mẩu xương hóa thạch được tìm thấy của loài chim cánh cụt khổng lồ. Ảnh: AFP. |
Chim cánh cụt lớn như vậy vì trong giai đoạn này, các loài bò sát cỡ lớn ở đại dương biến mất (cùng thời điểm khủng long biến mất) khiến cho chim cánh cụt không có loài vật nào đe dọa.
Hiện tại, loài chim cánh cụt lớn nhất - chim cánh cụt hoàng đế - có thể đạt chiều cao 1,2 m.
"Chúng tôi nghĩ rằng vào thời điểm đó, các loài động vật tiến hóa rất nhanh. Nhiệt độ nước biển xung quanh New Zealand cũng rất lý tưởng vào thời điểm đó, khoảng 25 độ C so với mức 8 độ C hiện nay", ông Scofield giải thích.
Trong thời gian đó, New Zealand vẫn còn nối liền với Australia, còn lục địa Australia thì được cho là vẫn còn kết nối với châu Nam Cực.
Loài chim cánh cụt mới này, với tên khoa học là crossvallia waiparensis, có đặc điểm sinh học giống với một loài chim cánh cụt khổng lồ thời tiền sử khác là crossvallia unienwillia, được tìm thấy ở khu khai quật nằm ở châu Nam Cực.
Ông Scofield cho rằng loài chim cánh cụt này chia sẻ môi trường sống với những loài rùa khổng lồ, san hô và các loài cá mập có hình dáng kỳ lạ.
Không rõ vì sao loài chim cánh cụt khổng lồ này biến mất khỏi những vùng nước ở phía nam bán cầu. Giả thiết nhận được nhiều sự ủng hộ nhất là do cạnh tranh với các loài động vật có vú khác.
Thời điểm chim cánh cụt khổng lồ biến mất cũng là thời điểm mà các loài cá voi có răng và hải cẩu phát triển mạnh, nhưng lý do chính xác dẫn đến sự tuyệt chủng của chúng vẫn đang được bàn luận, theo ông Gerald Mayr, tác giả của nghiên cứu về loài chim này.
Những mẩu xương hóa thạch của loài chim cánh cụt khổng lồ được tìm thấy tại một khu khai quật ở North Canterbury vào năm ngoái và được phân tích bởi đội ngũ các nhà khoa học quốc tế từ đó tới nay.
Địa điểm này là nơi phát hiện nhiều hóa thạch đa dạng kể từ thập niên 1980, và rất nhiều các hóa thạch - giống như lần này - được phát hiện bởi các nhà khảo cổ nghiệp dư.