Các hạt vi nhựa (microplastic) chưa từng được phát hiện trước đây trong nước trên bề mặt, trầm tích và tuyết ở Nam Cực, nhưng phát hiện mới nói trên có thể đồng nghĩa với việc các loài nhuyễn thể trong khu vực - vốn ăn tảo từ băng biển có thể bị phơi nhiễm nhiều hơn với nhựa.
Khoảng 96 mẩu nhựa rộng chưa đầy 5 mm được tìm thấy trong một mẫu phân tích lõi băng được khoan vào năm 2009 và được cất trữ ở Hobart, Tasmania.
Nghiên cứu đã phát hiện 14 loại nhựa khác nhau và trung bình khoảng 12 mảnh nhựa được tìm thấy trong mỗi lít nước.
Sợi vi nhựa từ băng biển Nam Cực được nhìn thấy dưới kính hiển vi. Ảnh: IMAS. |
Chuyên gia Anna Kelly từ Viện Nghiên cứu Hải dương và Nam Cực (IMAS) tại Đại học Tasmania, là tác giả chính của nghiên cứu, công bố trên trang Marine Pollution Bulletin.
“Sự xa xôi của Nam Đại Dương chưa đủ để bảo vệ nó khỏi ô nhiễm nhựa, vốn đang lan rộng khắp các đại dương trên thế giới”, cô Kelly nói.
Theo nữ chuyên gia, nồng độ nhựa được tìm thấy trong lõi băng ở Nam Cực thấp hơn một chút so với nghiên cứu trước đây từng phát hiện vi nhựa trong băng biển Bắc Cực.
“Các phân tử vi nhựa trong lõi băng của chúng ta lớn hơn ở Bắc Cực, điều đó có thể chỉ ra các nguồn ô nhiễm địa phương vì nhựa có ít thời gian phân rã thành các sợi nhỏ hơn so với khi di chuyển khoảng cách xa trên dòng hải lưu”, cô Kelly phân tích.
“Các nguồn ô nhiễm địa phương có thể bao gồm quần áo và thiết bị từ khách du lịch và các nhà nghiên cứu, trong khi thực tế là chúng tôi cũng xác định các sợi varnish và nhựa thường được sử dụng trong ngành đánh bắt cũng là một nguồn ô nhiễm tiềm tàng.
Chuyên gia Anna Kelly từ Viện Nghiên cứu Hải dương và Nam Cực (IMAS) tại Đại học Tasmania. Ảnh: IMAS. |
Phó giáo sư Delphine Lannuzel, cũng thuộc IMAS và đồng tác giả của nghiên cứu, là một nhà hóa học băng biển đã giúp khoan lõi băng cách bờ biển khoảng 2 km vào năm 2009.
Lõi băng nói trên được lấy từ “băng nhanh” - là loại băng hình thành xung quanh bờ biển và không di động, không giống như đám băng nổi. Lõi được phân tích dài khoảng 1,1 m và rộng khoảng 14 cm.
Bà Lannuzel cho biết khi các nhà nghiên cứu phân tích lõi, họ đã tìm thấy nhựa được bao quanh bởi tảo mọc trong băng.
“Băng biển là môi trường sống của các loài tìm kiếm thức ăn chính”, cô Lannuzel nói. “Các loài nhuyễn thể định hình mọi thứ khác trong chuỗi thức ăn và chúng dựa vào tảo băng biển để phát triển’.
“Giờ đây khi bạn cho rằng tảo băng biển có liên quan đến nhựa, bạn có thể nghĩ về sự tích tụ sinh học của nhựa trong nhuyễn thể và ở cá voi”.
Các hạt nhựa tập trung nhiều hơn đáy dưới cùng của lõi băng. Lannuzel cho biết cần có thêm rất nhiều nghiên cứu để hiểu tác động của nhựa đối với các loài sống dựa vào băng biển.
Cô cho rằng hiện chưa biết liệu độc tính của nhựa có tác động tới các quá trình trong ruột của loài nhuyễn thể và các loài khác, bao gồm cả cá voi ăn nhuyễn thể.
“Thay vì chìm xuống đại dương sâu thẳm, sự vướng lại của vi nhựa trong băng biển Nam Cực cho phép chúng tồn tại lâu hơn gần mặt biển”, chuyên gia Anna Kelly cho biết.
Cô nói thêm rằng nhuyễn thể là loài chủ chốt trong hệ sinh thái Nam Đại Dương và rất quan trọng đối với các loài săn mồi trên biển ở vị trí cao hơn trong chuỗi thức ăn.
“Điều đáng chú ý là sự ô nhiễm nhựa của băng biển Tây Nam Cực có thể còn lớn hơn cả vùng băng của chúng ta từ phía đông, vì bán đảo Nam Cực tiếp nhận nhiều du khách và có các trạm nghiên cứu cũng nhưgiao thông đường biển.