Điện não đồ cho thấy bạch tuộc khi ngủ có sóng não giống người. Ảnh: Depositphotos. |
Khi ngủ, nhiều người có thói quen trở mình, lăn lộn trong vô thức. Nguyên nhân của hiện tượng này là não bộ được kích hoạt sang một trạng thái hoạt động tích cực hơn. Nghiên cứu khoa học mới đây đã cho thấy điều đó cũng xảy ra ở bạch tuộc khi ngủ.
Cụ thể, một nghiên cứu đăng trên tạp chí khoa học Nature hôm 28/6 đã thử nghiệm theo dõi hàng loạt bạch tuộc khi ngủ. Họ phát hiện chúng thường lặp lại hành vi co giật và thay đổi các túi sắc tố trên da để đổi màu.
Để nghiên cứu kỹ hơn, các nhà khoa học đã đặt máy thăm dò vào não bộ bạch tuộc khi ngủ để nghiên cứu hành vi của chúng cũng như các tầng giai đoạn ngủ và thời điểm thức tỉnh. Họ phân tích điện não đồ thu được khi bạch tuộc ngủ và thức. Mẫu sóng điện này tương đồng với sóng điện của các động vật có vú bước vào giấc ngủ REM (giấc ngủ mắt chuyển động nhanh, ngủ mơ).
Chu kỳ ngủ của con người có 2 loại giấc ngủ chính, bao gồm giấc ngủ NREM (giấc ngủ mắt không chuyển động nhanh, ngủ không mơ) và giấc ngủ REM.
Nhờ đó, nhóm nghiên cứu phát hiện bạch tuộc có chu kỳ giấc ngủ rất giống với động vật có vú. Các nhà khoa học tại Đại học Washington và Viện Khoa học Và Công nghệ Đại học Okinawa kết luận rằng chu kỳ ngủ của bạch tuộc không chỉ có giai đoạn ngủ không mơ mà còn trải qua giai đoạn ngủ REM. Trong giấc ngủ REM, não sẽ hoạt động tích cực hơn và các giấc mơ xuất hiện.
Cụ thể, giai đoạn ngủ không mơ của chúng phát ra sóng não rất giống giai đoạn NREM ở động vật có vú. Những sóng não này được phát ra từng một vùng não đảm nhiệm việc học tập và ghi nhớ, giống với con người. Sau đó, chúng sẽ bị giấc ngủ REM làm gián đoạn, biểu hiện qua việc nhấp nháy sáng phần da, mắt và xúc tu đảo liên tục và hơi thở nhanh dần.
Khi ngủ sâu, bạch tuộc liên tục đổi màu. Ảnh: Sylvia S L Madeiros. |
Không chỉ vậy, đoạn video ghi lại bạch tuộc lúc ngủ cho thấy chúng có thói quen đổi màu liên tục như lúc tỉnh.
Dữ liệu từ sóng não thu về cho thấy bạch tuộc đổi màu sắc trên da khác nhau tùy thuộc và giai đoạn giấc ngủ. Điều này cho thấy chúng đang cố nhớ lại ký ức hoặc học tập lại các hành vi khi còn thức tỉnh, giống với giấc mơ ở người.
“Với người, chúng ta chỉ có thể kể lại giấc mơ đã qua khi tỉnh giấc. Còn với bạch tuộc, phần da trở thành nơi biểu hiện hoạt động não của chúng khi ngủ”, Sam Reiter - nhà khoa học tại Viện Khoa học Và Công nghệ Đại học Okinawa - cho biết.
Trước đây, các bằng chứng khoa học chỉ ra tổ tiên của bạch tuộc và con người cách nhau hơn 600 triệu năm tiến hóa. Hầu hết nhà khoa học đều tin rằng các hành vi của chúng rất khác loài người.
“Tất cả loài động vật đều có chung một kiểu chu kỳ ngủ, kể cả những động vật có cấu tạo đơn giản như sứa hay ruồi giấm. Chỉ có động vật có xương sống mới có 2 giai đoạn ngủ là NREM và REM”, nhà khoa học Sam Reiter cho biết.
Do đó, kết quả nghiên cứu về giấc ngủ của bạch tuộc mở ra nguồn tri thức mới, chứng minh rằng chu kỳ ngủ của con người khá tương đồng với loài bạch tuộc.
“Các loài sinh vật dù khác nhau và ở xa nhau cũng có thể tiến hóa chu kỳ ngủ 2 giai đoạn một cách độc lập như bạch tuộc - loài động vật có cấu trúc não khác hoàn toàn với động vật có xương sống”, Leenoy Meshulam - nhà vật lý học tại Đại học Washington - nói với New Atlas.
Những nhà khoa học tiên phong
"Những nhà khoa học tiên phong" là một cuốn sách thú vị về lịch sử của những phát minh nổi tiếng. Để có được những đóng góp vĩ đại cho nhân loại, các nhà khoa học nổi tiếng đã làm việc với lòng say mê và tinh thần học hỏi không ngừng.