Theo nghiên cứu được công bố trên tạp chí Nature ngày 2/5, ba hành tinh được phát hiện ở vị trí cách trái đất 39 năm ánh sáng. Chúng có kích thước tương đương trái đất, có thể sinh sống được và đủ gần với bầu khí quyển trái đất để có thể tiến hành phân tích với công nghệ hiện tại.
"Đây là cơ hội đầu tiên để tìm kiếm dấu vết hóa học của cuộc sống bên ngoài hệ mặt trời", nhà thiên văn Michael Gillon, người đứng đầu nhóm nghiên cứu, cho biết.
Hình ảnh mô phòng bề mặt của một trong ba hành tinh quay quanh quỹ đạo ngôi sao lùn do Đài quan sát Nam Âu (EOS) cung cấp ngày 2/5. Ảnh: EPA |
Theo AFP, Gillon và đồng nghiệp đã hiệu chuẩn kính thiên văn TRAPPIST ở Chile để theo dõi các ngôi sao lùn, có kích thước không đủ lớn hoặc không đủ nóng để có thể nhìn thấy bằng kính thiên văn quang học.
Sau một thời gian quan sát, họ phát hiện tín hiệu hồng ngoại của ngôi sao lùn TRAPPIST 1, có kích thước bằng một phần tám Mặt trời và mát hơn đáng kể, mờ đều đặn theo khoảng thời gian - một dấu hiệu của các vật thể trong quỹ đạo. Kết quả phân tích giúp nhóm chuyên gia khẳng định đây là ngoại hành tinh, hay hành tinh quay quanh các ngôi sao ngoài hệ mặt trời.
"Cho đến nay, sự tồn tại của những 'thế giới đỏ' quay quanh các ngôi sao lùn chỉ là lý thuyết. Nhưng giờ đây, chúng không chỉ có một hành tinh cô đơn, mà có đến ba", đồng tác giả nghiên cứu Emmanuel Jehin cho hay.
Với kích thước và khoảng cách với ngôi sao chủ như hiện nay, cả ba hành tinh có thể tồn tại các khu vực có nhiệt độ thích hợp để duy trì nước lỏng và sự sống. Việc các hành tinh ở gần trái đất sẽ giúp các nhà khoa học dễ dàng nghiên cứu khí quyển và thành phần của chúng.