Nếu chủ đầu tư bàn giao nhà xây thô chưa hoàn thiện toàn bộ mặt ngoài có thể bị phạt 300 triệu đồng, theo dự thảo đang lấy ý kiến của Bộ Xây dựng. |
Dự thảo về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động đầu tư xây dựng đang được Bộ Xây dựng lấy ý kiến góp ý trên Cổng Thông tin điện tử của Bộ này.
Theo đó, mức phạt tối đa 300 triệu đồng sẽ áp dụng trong trường hợp chủ đầu tư bàn giao nhà khi chưa bảo đảm kết nối với hệ thống hạ tầng chung của khu vực hoặc bàn giao khi chưa hoàn thiện toàn bộ phần mặt ngoài (đối với trường hợp bàn giao nhà, công trình xây dựng thô). Mức phạt này cũng áp dụng khi bàn giao nhà, công trình xây dựng cho khách hàng khi chưa hoàn thành việc xây dựng theo tiến độ ghi trong đự án được phê duyệt.
Trong khi đó, hành vi triển khai xây dựng dự án kinh doanh bất động sản, dự án đầu tư xây dựng nhà ở chậm tiến độ đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt sẽ bị phạt ở mức 120-150 triệu.
Đây cũng là mức phạt áp dụng với hành vi không làm thủ tục đề nghị cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho bên mua, bên thuê mua hoặc làm thủ tục chậm so với thời hạn quy định (trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác). Việc không cung cấp hồ sơ, giấy tờ pháp lý liên quan cho người mua, thuê mua nhà ở (trong trường hợp người mua, thuê mua nhà ở tự làm thủ tục) cũng áp dụng chung mức phạt này.
Chủ đầu cư cũng bị phạt từ 60 đến 80 triệu đồng nếu ký kết hợp đồng mua bán hoặc thuê mua nhà, công trình xây dựng mà không gắn quyền sử dụng đất với nhà, công trình xây dựng đó hoặc không thông báo cho bên mua các hạn chế về quyền sở hữu nhà, công trình xây dựng (nếu có).
Đồng thời, chủ đầu tư thực hiện đầu tư phát triển khu đô thị không tuân theo kế hoạch và chậm so với tiến độ được cấp có thẩm quyền phê duyệt, chậm bàn giao dự án theo tiến độ đã được phê duyệt đều bị phạt tiền 40-50 triệu đồng.
Tương tự, hành vi không công khai, công khai không đầy đủ hoặc không đúng các nội dung theo quy định về bất động sản hoặc không cung cấp thông tin về tiến độ đầu tư xây dựng, việc sử dụng tiền ứng trước khi có yêu cầu hoặc không cho phép bên mua, bên thuê mua được kiểm tra thực tế tại công trình đều có chung mức phạt 40-50 triệu đồng.
Ngoài ra, dự thảo cho biết hành vi vi phạm quy định về kinh doanh dịch vụ bất động sản cũng sẽ bị phạt từ 10 đến 50 triệu đồng.
Cụ thể, các vi phạm liên quan đến chứng chi hành nghề môi giới bất động sản sẽ bị phạt 10-15 triệu đồng. Các vi phạm bao gồm việc kinh doanh dịch vụ môi giới bất động sản mà không có chứng chỉ hoặc chứng chỉ đã hết hạn, việc tẩy xóa, sữa chữa, cho mượn, cho thuê chứng chỉ hành nghề.
Trong khi đó, mức phạt 40-50 triệu đồng sẽ áp dụng với các hành vi đưa bất động sản không đảm bảo đủ điều kiện vào kinh doanh lên sàn giao dịch; không cung cấp, cung cấp không đầy đủ hoặc không chính xác hồ sơ, thông tin về bất động sản mà mình môi giới hoặc đưa lên sàn giao dịch bất động sản.