Các chính trị gia đại diện cho phần đông quốc hội Pháp đã lên tiếng ủng hộ dự luật đưa quyền phá thai vào hiến pháp, một ngày sau khi Tòa án Tối cao Mỹ đảo ngược phán quyết công nhận quyền phá thai hợp pháp của phụ nữ, South China Morning Post đưa tin.
Pháp là một trong số các đồng minh của Mỹ lên án quyết định của Tòa án Tối cao. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho rằng phán quyết của tòa là thách thức đối với các quyền tự do của phụ nữ.
Những người biểu tình tại Pháp hôm 25/6 phản đối quyền cấm phá thai. Ảnh: AFP. |
"Họ phải được bảo vệ. Tôi bày tỏ sự đoàn kết với những phụ nữ mà ngày nay các quyền tự do của họ bị Tòa án Tối cao Mỹ thách thức", ông Macron viết trên Twitter.
Nghị sĩ đảng Cộng hòa Tiến bước của Tổng thống Macron - bà Aurore Berge - cho biết bà đã chuẩn bị một dự luật để "tôn trọng quyền phá thai trong hiến pháp của chúng ta". Dự luật của bà Berge quy định rằng “không ai có thể bị tước quyền tự quyết việc phá thai”.
“Quyền của phụ nữ luôn là quyền mong manh và thường xuyên bị đe dọa", bà Aurore Berge nói với đài phát thanh France Inter.
Thủ tướng Pháp Elisabeth Borne cũng cho biết chính phủ sẽ "hết lòng" ủng hộ dự luật này, đồng thời nhấn mạnh dự luật nhận được sự đồng tình của nhiều bộ trưởng khác.
“Vì tất cả phụ nữ, vì quyền con người, chúng ta phải đưa luật này vào hiến pháp. Quốc hội phải đoàn kết để thông qua vấn đề này”, thủ tướng Pháp viết trên Twitter.
Việc đưa quyền được phá thai vào hiến pháp của Pháp đã được đưa ra từ năm 2018 và 2019, tuy nhiên đều thất bại.
Để thay đổi hiến pháp yêu cầu, thượng viện và hạ viện phải cùng thông qua dự luật. Sau đó, dự luật này cần nhận được sự đồng tình từ ít nhất ba phần năm tổng số nghị sĩ quốc hội.
Một cách khác để thay đổi hiến pháp là Pháp phải tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý.