Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Pháp lên án động thái của Israel 'cấm cửa' Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc

Bộ ngoại giao Pháp nêu rõ: "Paris lấy làm tiếc về quyết định vô lý, nghiêm trọng và phản tác dụng của Israel khi tuyên bố ông Antonio Guterres là người không được hoan nghênh".

Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres (giữa) phát biểu trong phiên họp khẩn Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc về tình hình Trung Đông, tại New York (Mỹ) ngày 2/10/2024. Ảnh: THX/TTXVN.

Theo AFP, ngày 3/10, Pháp đã lên án động thái của Israel khi Nhà nước Do Thái tuyên bố Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres là "người không được hoan nghênh" ở nước này, cho rằng quyết định này là "phi lý".

Trong tuyên bố, Bộ ngoại giao Pháp nêu rõ: "Paris lấy làm tiếc về quyết định vô lý, nghiêm trọng và phản tác dụng của Israel khi tuyên bố Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres là người không được hoan nghênh".

Theo Tân Hoa xã, Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres ngày 2/10 đã lên án vụ Iran tấn công bằng tên lửa vào Israel hôm 1/10.

Phát biểu tại phiên họp khẩn Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc về tình hình Trung Đông, ông Guterres nêu rõ: "Tôi cực lực lên án cuộc tấn công bằng tên lửa quy mô lớn của Iran vào Israel".

Ông Guterres nhấn mạnh: "Nghịch lý là những cuộc tấn công này không hề hỗ trợ cho sự nghiệp của người dân Palestine hay giảm bớt đau khổ của họ."

Bất chấp tuyên bố của Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc, Bộ Ngoại giao Israel hôm 2/10 đã thông báo quy chế “không hoan nghênh” đối với ông Guterres vì đã không lên án mạnh mẽ cuộc tấn công tên lửa của Iran nhằm vào Israel.

Hồi tháng trước, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu cũng đã chỉ trích kịch liệt Liên Hợp Quốc. Ông Netanyahu lên án "cách đối xử bất công của tổ chức thế giới này đối với đất nước Do Thái".

Vấn đề Trung Đông

Tri Thức - Znews giới thiệu cuốn sách "Châu Phi - Trung Đông: Những vấn đề chính trị và kinh tế nổi bật". Cuốn sách giới thiệu cuộc cải cách thể chế chính trị và kinh tế ở châu Phi và Trung Đông từ sau Chiến tranh Lạnh đến nay. Cuốn sách bao trùm nhiều vấn đề về sắc tộc, khả năng giải quyết mâu thuẫn sắc tộc, tôn giáo, chính sách của các nước lớn, dầu mỏ, khí đốt ở hai khu vực này,...

Theo TTXVN

Bạn có thể quan tâm