Khoảng 1.000 quân nhân Pháp, trong đó có 20 tướng lĩnh về hưu, đã ký tên vào bức thư ngỏ cảnh báo đất nước đang bước vào một thời kỳ nội chiến vì cực đoan tôn giáo. Diễn biến này nhanh chóng thu hút sự chú ý cùng sự phản đối mạnh mẽ từ chính quyền Tổng thống Emmanuel Macron.
Cảnh báo hỗn loạn
Được công bố trên tờ tạp chí cánh hữu Valeurs Actuelles hôm 21/4 nhân kỷ niệm 60 năm cuộc đảo chính bất thành năm 1961, bức thư tuyên bố những chính sách "lỏng lẻo" của chính phủ sẽ mang tới sự hỗn loạn, đòi hỏi "các đồng chí đang tại ngũ can thiệp", với sứ mệnh bảo vệ "các giá trị văn minh"
Nhóm quân nhân gửi lời cảnh báo tới Tổng thống Macron, chính phủ và các nghị sĩ Pháp về "những mối nguy hiểm chết người" đang đe dọa nước Pháp.
Những đe dọa được nhắc đến bao gồm "Hồi giáo" và làn sóng người nhập cư sống ở các khu vực ngoại ô nghèo đói bao quanh các thành phố lớn của Pháp. Bức thư cho rằng người Hồi giáo đang chiếm giữ phần lớn lãnh thổ nước Pháp.
"10 năm trước, ai có thể tưởng tượng rằng một giáo viên sẽ bị chặt đầu ngay bên ngoài trường học", bức thư viết, nhắc tới vụ sát hại giáo viên Samuel Paty ở ngoại ô thủ đô Paris, thủ phạm là một người Hồi giáo nhập cư. Vụ chặt đầu này gây chấn động cả nước Pháp.
Những người ký tên vào bức thư buộc tội phong trào "chống phân biệt chủng tộc" đang gây chia rẽ giữa các cộng đồng dân cư, tìm cách kích động "cuộc chiến sắc tộc" bằng cách tấn công các biểu tượng và giá trị lịch sử của nước Pháp.
Lá thư của nhóm quân nhân chỉ trích chính sách "lỏng lẻo" của chính quyền Tổng thống Emmanuel Macron. Ảnh: AFP. |
Họ cáo buộc chính phủ Pháp đang tìm cách sử dụng cảnh sát "như lực lượng ủy nhiệm và con tốt thí", thông qua những vụ đàn áp khốc liệt phong trào biểu tình áo vest vàng những năm qua.
"Chúng ta không có thời gian để trì hoãn thêm, nếu không cuộc nội chiến ngày mai sẽ gây ra hàng nghìn cái chết và các ông sẽ phải chịu trách nhiệm cho những cái chết ấy", bức thư tuyên bố.
Bức thư của nhóm quân nhân xuất hiện trong bối cảnh các cuộc tranh cãi nóng bỏng nổ ra ở Pháp về vấn đề phân biệt chủng tộc và lịch sử chủ nghĩa thực dân.
Trước đó, Pháp cũng là một trong các quốc gia nơi những người thuộc phong trào chống phân biệt chủng tộc phá hủy một số công trình văn hóa, lịch sử có từ thời thực dân.
Nhưng khác với tại Mỹ hay một số quốc gia châu Âu, hành động ấy không nhận được sự ủng hộ của đa số người Pháp. Tổng thống Macron chỉ trích "những học thuyết khoa học xã hội nhập khẩu từ Mỹ" sẽ chỉ có hại cho sự đoàn kết của nước Pháp.
Phản ứng trái ngược
Chính phủ Tổng thống Macron đã lập tức chỉ trích thông điệp của bức thư.
"Hai nguyên tắc bất di bất dịch định hướng hành động của thành viên lực lượng vũ trang đối với các vấn đề chính trị là: trung lập và trung thành", Bộ trưởng Quốc phòng Florence Parly viết trên Twitter.
Thành viên lực lượng vũ trang Pháp, dù đang tại ngũ hay là quân nhân dự bị, đều bị cấm bày tỏ quan điểm công khai về tôn giáo và chính trị.
Trước đó, bà Parly từng cảnh báo bất cứ người nào ký tên vào bức thư mà còn đang phục vụ trong quân đội sẽ bị trừng phạt vì vi phạm luật bắt buộc thành viên lực lượng vũ trang phải trung lập về chính trị.
"Với các quân nhân dự bị vi phạm nghĩa vụ, sẽ có biện pháp trừng phạt. Nếu binh sĩ tại ngũ ký vào bức thư, tôi yêu cầu tổng tham mưu trưởng các lực lượng vũ trang áp dụng các quy định trừng phạt họ", bà Parly nói với France Info.
Bộ trưởng Quốc phòng Florence Parly phản đối nội dung bức thư của nhóm quân nhân. Ảnh: AFP. |
Bộ trưởng Parly nhắc lại trường hợp một tướng lĩnh thuộc Binh đoàn Lê dương của Pháp từng bị loại ngũ vì tham gia phong trào biểu tình chống người nhập cư ở Calais.
Bộ trưởng Công nghiệp Pháp Agnes Pannier Runacher cho biết bà "lên án mạnh mẽ" bức thư "kêu gọi nổi loạn" được công bố trong ngày đánh dấu 60 năm cuộc đảo chính thất bại của một số tướng lĩnh quân đội nhắm vào Tổng thống Charles de Gaulle.
Trong khi đó, nhật báo Liberation miêu tả bức thư của nhóm quân nhân và cựu tướng lĩnh là "kêu gọi nổi loạn".
Tuy nhiên, bức thư của giới tướng lĩnh và binh sĩ Pháp nhận được sự ủng hộ của bà Marine Le Pen, thủ lĩnh đảng Mặt trận Quốc gia cực hữu. Bà Le Pen sẽ là ứng viên tham dự cuộc tổng tuyển cử diễn ra vào năm 2022.
Bà Le Pen hoan nghênh lá thư, kêu gọi các tướng lĩnh và giới quân nhân cùng bà tham gia "cuộc chiến vì nước Pháp". Cùng ngày bà Le Pen đưa ra thông điệp ủng hộ, xảy ra một vụ tấn công dao nhắm vào cảnh sát ở thủ đô Paris, vụ việc được coi là tấn công khủng bố.
Trả lời France Info hôm 27/4, Le Pen cho biết bà chia sẻ nỗi lo âu của các binh sĩ trước hiện trạng đất nước bị ảnh hưởng bởi "những khu vực vô pháp vô thiên, tình trạng tội phạm, trong khi chủ nghĩa yêu nước bị giới lãnh đạo phủ nhận".
Truyền thông Pháp tỏ ra ngạc nhiên khi bà Le Pen công khai tuyên bố ủng hộ lá thư, bởi nó đi ngược lại hình ảnh có phần trung dung hơn mà bà Le Pen xây dựng cho đảng Mặt trận Quốc gia vài năm gần đây.
Lá thư được nhóm tướng lĩnh và quân nhân công bố rõ ràng đã vượt quá giới hạn đối với các thành viên lực lượng vũ trang khi can thiệp sâu vào các vấn đề tôn giáo và chính trị.
Việc công khai ủng hộ bức thư khiến bà Le Pen trở thành mục tiêu công kích của các đảng phái khác trước thềm cuộc tổng tuyển cử, bị miêu tả là "kẻ nổi loạn truyền thống" giống với hình ảnh của các tổ chức cực hữu.
Cử tri cánh hữu chính thống, những người thời gian qua đã dành nhiều sự ủng hộ hơn cho đảng Mặt trận Quốc gia - sau khi bà Le Pen xích lại gần hơn với EU - có thể sẽ nghĩ lại trước khi trao lá phiếu cho đảng này vào cuộc bầu cử sắp tới.
Nhưng từ phương diện khác, Le Pen có thể có toan tính riêng. Nói cho cùng, rất ít người tin rằng có thể xảy ra một cuộc đảo chính quân sự, vì vậy khó có khả năng bà Le Pen bị cáo buộc tội danh khuyến khích nổi loạn.