Ông Didier Deschamps gần như kiên định trong cả giải đấu về cách vận hành chiến thuật của mình. Mặt trái của sự kiên định ấy đã bộc lộ một cách không thể rõ rệt hơn trong trận chung kết trước Argentina, khi nhà vô địch World Cup 2018 hoàn toàn bị bắt bài.
Điểm yếu triển khai từ sân nhà
Trong tình huống bóng chết đầu tiên được thực hiện ở trận chung kết, lựa chọn của Hugo Lloris là một pha phát bóng lên phía trước - dấu hiệu cho thấy tuyển Pháp không tự tin cho việc triển khai bóng ngắn từ khu vực 1/3 sân nhà.
Nhìn lại hành trình 3 trận đấu tại vòng knock-out trước đó, tuyển Pháp đã đối đầu với hai đại diện sẵn sàng phòng ngự chủ động ở khu vực nửa sân nhà là Australia và Marocco. Trong khi ở trận tứ kết trước Anh, Aurelien Tchouameni đưa đội bóng của ông Didier Deschamps vươn lên dẫn trước từ rất sớm sau một đợt phản công và khiến thế trận phòng ngự phản công quen thuộc của đội bóng này sớm được vận hành.
Argentina của Scaloni chọn một phương án hoàn toàn khác, sẵn sàng gây áp lực mạnh theo trục dọc với sơ đồ 4-4-2 từ khu vực 1/3 giữa sân – điều khiến người Pháp cực kì lúng túng.
Argentina gây áp lực mạnh từ khu vực 1/3 giữa sân. |
Một trong những hình ảnh đại diện cho sự lúng túng ấy đến ngay ở thời điểm Lionel Messi chuẩn bị bước lên chấm phạt đền trước khi mở tỉ số trận đấu. Raphael Varane thậm chí không quan tâm đến quả 11m, mà tận dụng khoảng thời gian bóng chết hiếm hoi để chạy đến đưa ra những chỉ dấu cho Dayot Upamecano, Andrien Rabiot và Theo Hernandez.
Họ chính là những người trực tiếp phải đối đầu với sức ép liên tục của đối phương ở thời điểm Pháp kiểm soát bóng, mà chưa thể tìm ra được lợi giải hợp lý nhất.
Varane tận dụng khoảng thời gian bóng chết để trao đổi với các đồng đội. |
Hernandez mắc sai lầm trong lựa chọn chuyền bóng từ phần sân nhà trước áp lực từ đối phương. |
Ngay cả khi Pháp có thể đưa bóng sang phần sân đối phương, phương án phối hợp ở hành lang cánh trái giữa Kylian Mbappe và Theo Hernandez cũng bị kiềm toả một cách toàn diện bởi Rodrigo de Paul và các đồng đội.
Argentina kiểm soát hành lang cánh trái của ĐT Pháp. |
Pháp không thể tạo ra bất cứ pha dứt điểm nào trong hiệp thi đấu thứ nhất. Một phần bởi họ đã bị đối phương đưa vào điểm yếu khi kiểm soát bóng của mình. Phần còn lại, bởi sức mạnh phản công đáng sợ mà Kylian Mbappe và các đồng đội đã thể hiện ở những trận đấu trước đó hoàn toàn bị khắc chế.
Không thể phản công
Hình ảnh dưới đây minh hoạ lại tất cả các tình huống thu hồi bóng của Argentina trong hiệp thi đấu thứ nhất. Phần lớn những hành động giành lại quyền kiểm soát của Messi và các đồng đội đến ở 1/3 giữa sân và 1/3 cuối sân.
Đặc biệt, 33% số lần thu hồi bóng của Argentina được thực hiện ngay trên phần sân đối phương. Argentina không chỉ kiểm soát bóng tốt hơn đối thủ, mà còn khiến Antoine Griezmann và các đồng đội không thể có thời cơ chuyển đổi trạng thái từ không bóng sang có bóng.
Vị trí các tình huống thu hồi bóng của Argentina trong hiệp 1. |
Cấu trúc đội hình ấn tượng của Argentina giúp đội bóng này sẵn sàng gây áp lực mạnh ở thời điểm chuyển đổi. Cường độ đáng khen ngợi trong ý thức và thái độ của những cầu thủ tấn công giúp đội bóng của Lionel Scaloni đoạt lại quyền kiểm soát ngay trên phần sân đối phương.
Cường độ cao trong các tình huống chuyển đổi từ tấn công sang phòng ngự của Argentina trên phần sân đối phương. |
Một chi tiết đáng chú ý trong những tính toán của vị chiến lược gia 44 tuổi là việc Argentina tấn công vòng cấm địa từ hành lang cánh trái của Angel di Maria.
Điều đó cũng có nghĩa, vị trí các tình huống để mất bóng của Argentina diễn ra ở một khoảng cách rất xa với Mbappe. Song song với đó, Messi và các đồng đội cũng có thể cắt tính liên kết tới trạm trung chuyển Antoine Griezmann – người đóng vai trò quan trọng của ĐT Pháp trong giai đoạn chuyển đổi.
Argentina thậm chí còn tạo ra những tình huống dứt điểm ngay sau khi đoạt bóng ở khu vực lệch biên trái, sau 2 nỗ lực đoạt bóng của Julian Alvarez.
Argentina thu hồi bóng trên sân đối phương và lập tức tạo ra thời cơ dứt điểm cầu môn. |
Tình huống Alvarez tạo thời cơ cho Allister ngay sau khi đoạt lại bóng. |
Tử huyệt ở cánh trái
Phải đến trận đấu cuối cùng tại World Cup 2022, sự thiếu cân bằng rõ rệt trong cấu trúc đội hình khi phòng ngự ở khu vực sân nhà của tuyển Pháp mới bị khai thác một cách triệt để. Trước sự hiện diện thường trực của Lionel Messi ở hành lang trong cánh phải, Didier Deschamps vẫn quyết định không có bất cứ điều chỉnh nào trong nhiệm vụ phòng ngự của Kylian Mbappe.
Mbappe ít tham gia phòng ngự trong bối cảnh Messi thoải mái ở hành lang trong cánh phải. |
Khác với ĐT Anh và ĐT Marocco, Argentina sử dụng Messi và các vệ tinh xung quanh để kiểm soát bóng, nhưng sẵn sàng chuyển hướng tấn công sang khoảng trống ở biên đối diện cho một Angel di Maria thăng hoa tấn công vùng cấm địa.
Ý đồ triển khai bóng và tấn công vùng cấm địa của Argentina được thể hiện một cách nhuần nhuyễn khi họ luôn có những khoảng trống lớn để triển khai thế trận. |
Hành trình 6 trận đấu trước đó của Didier Deschamps và các học trò ghi dấu sự tự tin tối đa của vị chiến lược gia 54 tuổi dành cho chất lượng phòng ngự cá nhân của các hậu vệ ĐT Pháp.
Thế nhưng, sự tự tin ấy đã nhanh chóng sụp đổ khi hiệp thi đấu thứ nhất chưa kết thúc. Tuyển Pháp đã từ bỏ hoàn toàn phương án số 1 của mình từ phút thứ 41 bằng hai sự thay đổi của ông Deschamps.
Thời điểm Marcus Thuram và Kolo Muani vào sân, Pháp đã hoàn toàn từ bỏ phong cách chơi quen thuộc của mình, và đưa trận đấu vào những màn đối đầu thể chất và tốc độ. Những khoảnh khắc lạnh lùng và xuất thần trên hàng công thiếu chút nữa đã giúp Didier Deschamps sửa sai thành công sau một hiệp một thua toàn diện so với đối phương.
Nhưng không thể phủ nhận, Pháp đã bước vào trận chung kết với một định hướng chơi quá cởi mở trước Lionel Messi và Argentina. Sự tự tin mà Didier Deschamps dành cho khả năng của Kylian Mbappe, Antoine Griezmann là hoàn toàn có cơ sở, chỉ có điều, họ đã bị đối phương hoàn toàn vô hiệu hoá với phương án chiến thuật số 1 của mình.
Kỳ World Cup đầy bất ngờ
World Cup 2022 đang được giới chuyên môn đánh giá là một trong những kỳ Cúp Thế giới đáng xem nhất lịch sử với dấu ấn đậm nét từ các đại diện châu Á và nhất là châu Phi. Một trong những bất ngờ tương tự từng được viết trong cuốn The official history of FIFA World Cup, xuất bản năm 2019